Đảng ta luôn xác định ngành in là một trong những công cụ chuyên chính vô sản; là vũ khí sắc bén trên mặt trận chính trị, văn hóa, tư tưởng; là phương tiện để tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Những năm qua, ngành in được coi là một ngành công nghiệp sản xuất ra các ấn phẩm như sách, báo và các xuất bản phẩm khác, đáp ứng nhu cầu đọc và nâng cao dân trí của xã hội. Theo báo cáo của Trường Cao đẳng công nghiệp In, cả nước có khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp, trong đó có 145 cơ sở in thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, còn lại là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Theo Quyết định số 896/QĐ-BTTTT ngày 28/5/2012 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành TT&TT giai đoạn 2011 - 2020, trong đó nhân lực ngành in đến năm 2015 dự báo cần khoảng 53.000 người. Đến năm 2020 dự báo nhu cầu nhân lực ngành in khoảng 63.000 người; tỉ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại hoạc là 10%; trình độ trung học, sơ cấp, công nhân kỹ thuật là 90%. Và theo Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ về lĩnh vực in tiếp tục tăng cường hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2020 đạt từ 50 - 60% số cơ sở in sử dụng công nghệ thiết bị in hiện đại, đạt khoảng 450 triệu bản in; về nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, nghiên cứu việc mở mã ngành đào tạo, dạy nghề về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm…
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới, ngành in Việt Nam đang tồn tại một thực tế chưa phù hợp; chưa làm chủ được công nghệ mới, hiện đại; trình độ nhân lực quản lý và khai thác các thiết bị công nghệ hiện đại vừa thiếu lại vừa yếu; năng lực, trình độ cán bộ, giáo viên còn hạn chế; đào tạo chưa gắn liền với thực tiễn, còn nặng về lý thuyết và lạc hậu; thiếu sự liên kết với các doanh nghiệp, công ty in…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh: Hội thảo là diễn đàn bổ ích để tập thể lãnh đạo Trường Cao đẳng công nghiệp In tự nhìn nhận, đánh giá lại vai trò, nhiệm vụ và khả năng của Trường trước yêu cầu mới; đây cũng là cơ hội để tiếp thu, lĩnh hội những ý kiến, sự “hiến kế” của các đại biểu có tính thiết yếu cho sự phát triển đi lên của Trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Cũng theo Thứ trưởng, Trường cần có những giải pháp căn cơ, dài hơi cho sự phát triển; có dự báo sát với thực tiễn nhu cầu của ngành; phải chủ động, nỗ lực vươn lên để thích ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Đặc biệt, tập thể lãnh đạo nhà trường phải nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, thay đổi cách thức tổ chức, tư duy giảng dạy, tiếp cận công nghệ tiên tiến để đưa vào giảng dạy; nâng cao chất lượng đào tạo sát với nhu cầu của xã hội… Bộ TT&TT luôn quan tâm, ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho trường phát triển ổn định, bền vững, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng cũng mong muốn các hiệp hội, cơ sở in tiếp tục hỗ trợ và tìm đầu ra cho nguồn nhân lực của nhà trường…./.
Theo Mic.gov.vn