|
Dù vé tàu được bán qua mạng, nhưng rốt cuộc người mua vé vẫn phải ra ga lấy vé. Ảnh: phapluatgiaothong.vn
|
Từ chuyện năm nào cũng diễn ra như trầy trật mua vé tàu lửa trực tuyến đến chuyện năm nay như sập mạng tra cứu điểm thi; từ những sai sót trong việc khai thuế, báo nợ thuế đến những trục trặc trong đăng ký kinh doanh qua mạng. Danh sách này kéo dài tùy theo kinh nghiệm của những người trong cuộc.
Ở các nước khác hay ngay cả ở Việt Nam nhưng có sử dụng dịch vụ của nước ngoài như xin visa tới nước họ, hầu như mọi công đoạn liên quan đến dịch vụ công đều được thực hiện qua mạng một cách suôn sẻ. Ở Việt Nam lĩnh vực nào cũng có dự án, cũng đều có những tuyên bố hoành tráng nhưng trong thực tế người dân chưa hưởng được tiện ích gì đáng kể. Ngoài chuyện khổ sở tra cứu điểm thi gây bức xúc cho hàng triệu thí sinh và phụ huynh, nhiều doanh nghiệp tuần rồi cũng “méo mặt” vì lỗi phần mềm sao đó mà người sắp được tuyên dương nộp thuế đầy đủ lại bị bêu tên thiếu nợ thuế!
Chúng tôi đem câu hỏi “vì sao như thế”, vì sao nền công nghệ thông tin Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đi hỏi các chuyên gia trong ngành - đây là câu hỏi của một người “ngoại đạo”, tức không rành về lĩnh vực công nghệ thông tin chờ đợi một sự giải thích cặn kẽ. Câu trả lời: vấn đề không nằm ở năng lực của ngành công nghệ thông tin, vấn đề nằm ở chỗ khác.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay không còn tính theo biên giới địa lý nữa. Vì thế không thể nói nền công nghệ thông tin không đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Vấn đề là biết cách dùng nó cho hợp lý.
Lấy ví dụ thời sự tuần rồi nóng chuyện tra cứu điểm thi tốt nghiệp phổ thông. Cần nhớ thông tin điểm thi của thí sinh là “mỏ vàng” nên mới có sự giành nhau để độc quyền sở hữu và công bố. Các trường đại học, nhất là đại học tư thục đang tìm mọi cách để có thông tin này sớm nhất hòng tìm mọi cách lôi kéo các em về học ở trường mình. Nếu không có sự độc quyền hay mong muốn độc quyền thông tin thì ngành công nghệ thông tin sẽ phải giải bài toán đơn giản hơn rất nhiều. Ở đây nếu độc quyền công bố thì nơi công bố phải tính toán cơ sở hạ tầng cho cả triệu lượt người truy cập cùng lúc; còn phân bổ cho hàng chục nơi công bố cùng lúc thì sự việc sẽ đơn giản hơn nhiều lần.
Ở hướng ngược lại, lượng người vào xem, tra cứu điểm thi (traffic) cũng là “mỏ vàng” nên nhiều nơi gây sức ép đòi phải được chia sẻ. “Mỏ vàng” này bị khai thác nhiều tầng - từ cách nhắn tin lấy điểm bị trừ tiền đến chia sẻ “traffic” gián tiếp nhằm bán quảng cáo.
Ở các dự án khác, việc giao cho một công ty nào đó triển khai dự án cũng là một mỏ vàng khác nữa nên việc giao sẽ khó lòng công khai minh bạch bởi công khai minh bạch thì dễ tìm được công ty có năng lực, đưa ra giải pháp tốt nhưng phần “thối lại” sẽ rất ít hoặc thậm chí không có. Chẳng thà giao cho “sân sau” hiệu quả tốt xấu tính sau; trước mắt kiếm được phần trăm cao là một nguyên nhân khác nữa, lý giải vì sao có nhiều trục trặc xảy ra.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay không còn tính theo biên giới địa lý nữa. Ví dụ hoàn toàn có thể thuê băng thông rộng của Amazon hay Microsoft trong ngắn hạn để đáp ứng một nhu cầu thời vụ trong năm như một tuần đăng điểm thi của thí sinh hay một tuần bán vé tàu vào những ngày cao điểm. Vì thế không thể nói nền công nghệ thông tin không đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Vấn đề là biết cách dùng nó cho hợp lý.
Chưa thỏa mãn, chúng tôi tiếp tục đem câu hỏi “vì sao như thế” đi hỏi các chuyên gia thì vẫn có chuyên gia công nghệ thông tin nói lỗi nằm ở bản thân năng lực của ngành này.
Năng lực đó không phải ở những góc độ chuyên môn hay góc độ công nghệ vì đúng là để xây dựng một trang web đủ mạnh để cả triệu người truy cập cùng lúc trong một thời gian ngắn mà thôi, chỉ cần tạm thuê máy chủ ảo của các nơi cung ứng dịch vụ đám mây lớn của thế giới. Năng lực đó chính ở tính chuyên nghiệp, khả năng kết hợp kỹ năng công nghệ thông tin với kỹ năng riêng biệt từng ngành. Vì Việt Nam đang thiếu vắng tính chuyên nghiệp này nên rất dễ xảy ra chuyện chương trình quản lý thuế tập trung (TMS) bị lỗi, phần mềm bán vé tự động vận hành không thông suốt, hệ thống hỗ trợ sinh viên ở các trường đại học còn thiếu nhiều chức năng... Không nói đâu xa, dường như cơ quan, tổ chức nào ở Việt Nam cũng có hệ thống thư điện tử riêng nhưng nhân viên vẫn phải dùng thêm một e-mail loại miễn phí của nước ngoài như Gmail hay Yahoo! Mail vì chúng luôn hữu hiệu hơn hệ thống e-mail của tổ chức hay cơ quan đó.
Ở các công trình xây dựng lớn cần phải có một tổng công trình sư để lo bao quát mọi chuyện; ở các dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt của xã hội cũng cần một tổng công trình sư như thế nhưng vai trò này đang thiếu vắng.
Để tổ chức một dịch vụ qua mạng đơn giản như xin cấp các loại giấy tờ tùy thân, cái khó không nằm ở các giải pháp kỹ thuật, cái gây trở ngại còn là những vấn đề phi kỹ thuật như liệu ngành tài chính có chấp nhận cách thanh toán như thế này không, hóa đơn như thế nào là hợp lệ... Chuyện bán vé tàu qua mạng là một ví dụ điển hình khi người mua vé qua mạng rốt cuộc cũng phải ra ga lấy vé vì việc in vé điện tử còn vướng thủ tục pháp lý!
Người làm nghiên cứu ở các nước có thể vào các trang của cơ quan thống kê nước họ, dùng ngay các biểu bảng tra cứu để tìm được chính xác - ví dụ - chỉ số giá tiêu dùng trong 10 năm qua so sánh với giá vàng của cùng thời kỳ. Ở nước ta, các trang như thế được thiết kế từ góc nhìn của nhà quản lý, cũng đầy đủ các mục nhưng thông tin rất khó tìm, không đóng được vai trò cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp hay người nghiên cứu.
Cuối cùng một chuyên viên thứ ba đưa ra nhận xét: xây nhà đẹp và đầy đủ tiện nghi rồi thì chủ nhà cũng phải biết cách trang trí, bày biện chứ bỏ trống hơ trống hoác như các trang web của nhiều cơ quan hiện nay thì công nghệ thông tin cỡ nào cũng bó tay.
Theo Ictnews.vn