Tại buổi làm việc, Viettel và VNPT đã báo cáo hiện trạng triển khai tại doanh nghiệp, kế hoạch, lộ trình chuyển đổi IPv6 cho mạng di động. Về cơ bản, hạ tầng mạng lưới của Viettel và VNPT đã sẵn sàng cho việc triển khai chuyển đổi từ mạng 3G sang 4G. Các doanh nghiệp cũng cho biết đã nỗ lực nghiên cứu kinh nghiệm của các nhà mạng lớn trên thế giới và thử nghiệm cho việc chuyển đổi IPv4 – IPv6 cho mạng di động băng rộng, đặt ra mục tiêu cụ thể theo lộ trình kế hoạch triển khai của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.
Phó Tổng giám đốc VNPT Nghiêm Phú Hoàn cho biết, doanh nghiệp này đã tiến hành thử nghiệm kỹ thuật cũng như thực hiện các khâu chuẩn bị, đánh giá hiện trạng mạng lưới, đào tạo nhân lực vận hành mạng lưới... ngay từ những năm 2011 - 2012. Nếu không có gì thay đổi, VNPT sẽ chính thức thử nghiệm IPv6 trên một nhóm khách hàng vào cuối năm nay, trước khi cung cấp dịch vụ chính thức trong giai đoạn 2016-2017. Theo đó, VNPT sẽ cung cấp các dịch vụ truy nhập Internet, truyền số liệu, di động 3G, 4G, IPTV, Hội nghị truyền hình... trên nền IPv6.
Phó Tổng giám đốc Viettel Hoàng Sơn cho biết, việc chuyển đổi sang IPv6 là tất yếu để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của Viettel và phục vụ cho triển khai mạng LTE 4G. Ông cũng cho biết, trong quý III năm 2015, Viettel sẽ thử nghiệm trong Lab về cung cấp dịch vụ cố định (FTTx-PON), di động trên nền IPv6 với đầy đủ các dịch vụ đang cung cấp cho khách hàng. Thời gian tiếp theo, Viettel sẽ ban hành thiết kế cung cấp dịch vụ di động, cố định trên nền IPv6 và thử nghiệm cung cấp dịch vụ cho một số khách hàng vào quý I/2016.
Bên cạnh đó, đại diện của Viettel và VNPT đã chia sẻ với Ban Công tác về những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình triển khai và chuyển đổi IPv4 – IPv6 với vấn đề về chi phí, thiết bị, thời gian cũng như khó khăn về nhân lực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, mục đích của các cuộc làm việc tại doanh nghiệp là để có những đánh giá chung về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp đối với IPv6, lắng nghe các ý kiến, đề xuất từ phía doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất thiết bị, doanh nghiệp mạng lưới lẫn các nhà cung cấp nội dung như mạng xã hội, trang thông tin điện tử lớn. Trên cơ sở đó, Ban Công tác sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như đưa ra các chỉ đạo hiệu quả hơn.
Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia làm việc với Viettel
Đối với những nỗ lực của VNPT, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá cao cho sự chuẩn bị về IPv6 của VNPT trong giai đoạn 2011-2012. Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu VNPT và các nhà mạng khác cần xem xét, cân nhắc lộ trình sao cho hợp lý nhất để đến hết năm 2019 có thể cung cấp IPv6 trên phạm vi toàn quốc..
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã có sự trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 như iPhone 6, Galaxy S6 đã tương đối phổ biến, người dùng Việt truy cập các trang Facebook, Google, YouTube (đều là những trang hỗ trợ IPv6) rất nhiều, nhưng lưu lượng IPv6 từ Việt Nam ra quốc tế vẫn rất thấp.
Trong thời gian tới, Đoàn Công tác sẽ tiếp tục làm việc với FPT Telecom, Báo Vietnamnet, Mobifone, CMCTI, Báo Vnexpress để thực hiện đúng chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Nam Thắng về nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động năm 2015 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia: “Bộ TT&TT và Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cần khẩn trương rà soát, kiến nghị các doanh nghiệp viễn thông nâng cấp mạng lưới Internet, cơ sở hạ tầng Internet quốc gia, bảo đảm đến hết năm 2015 mạng di động băng rộng phải hoàn toàn chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6”.
Theo Mic.gov.vn