Mobile Game Asia 2015, diễn ra trong 2 ngày 9 - 10/7 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh đã chứng kiện sự hội tụ của rất nhiều gương mặt lãnh đạo đến từ những công ty làm game và nhà phát hành game hàng đầu châu Á.
Rất nóng và đang phát triển mạnh
Là những từ chung mà mọi diễn giả đều nhận xét về thị trường game mobile tại Việt Nam. Thực tế, trong thời gian gần đây các hội thảo về game cũng được tổ chức tại Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là Mobile Game Asia lần đầu được tổ chức, chứng tỏ thị trường Việt Nam ngày càng được coi trọng.
Theo số liệu của Appannie đưa ra tại Mobile Game Asia, top 10 những nhà phát hành game mobile ở Đông Nam Á tính theo doanh thu có đến 3 gương mặt từ Việt Nam là VNG, Gamota, VTC. Cũng theo một báo cáo mới đây Newzoo công bố, Việt Nam nằm trong top 25 quốc gia về doanh thu game mobile với doanh thu năm 2014 ước tính vào khoảng hơn 233 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ đồng). Nói cách khác, thị trường đang rất chín muồi và sẵn sàng cho đầu tư. "Tuy nhiên, các nhà đầu tư vào Việt Nam thì nên đầu tư vào nhanh, không thì sẽ không kịp vì hiện nay các nhà phát triển tại Việt Nam cũng cho ra rất nhiều game chất lượng đã phát hành ra nước ngoài chứ không chỉ để phục vụ thị trường trong nước nữa." – theo ý kiến của các chuyên gia từ Appota, JOY Entertainment và Divmob.
Khách mời từ các công ty Appota, JOY Entertainment và Divmob trao đổi tại sự kiện.
Thị trường game Việt Nam không chỉ nóng trong nước mà còn đang từng bước xuất khẩu game ra nước ngoài. Dù chưa nhiều nhưng thành công ban đầu cũng rất đáng nể. Dead Target sản xuất bởi VNG ra mắt vào quý 3/2014, hiện giờ đã có 13 triệu người dùng ở trên 233 nước. Captain Strike của JOY Entertainment phát hành bởi Appota tháng 9/2014, đạt 1 triệu lượt tải sau 1 tháng và 1 triệu người dùng từ 40 nước sau 3 tháng ra mắt. Đây chỉ là một trong những sản phẩm game online đầu tiên xuất khẩu nhưng đã được đón nhận trên trường quốc tế, đánh dấu sự phát triển của ngành game mobile nước nhà.
Muốn kiếm tiền từ game cần hiểu rõ văn hoá bản địa
Đông Nam Á là một thị trường khá phân mảnh, từ thị hiếu người chơi đến thị trường, thanh toán,... Dù vậy cũng có những quy tắc chung, mà theo các chuyên gia, nhà phát hành nước ngoài khi phát hành game ở Việt Nam và nhà làm game Việt khi mang game ra nước ngoài phải chú ý.
"Phát hành game phải phù hợp với văn hoá của quốc gia ở địa phương. Có rất nhiều game rất thành công ở quốc gia này nhưng ko thành công ở quốc gia khác" đó là lời chia sẻ của ông Shailesh Naik- founder and CEO MatchMove. Đồng thuận với quan điểm này, ông Frank Sliwka CEO IB Media nói “mỗi thị trường sẽ có tiềm năng khác nhau. Một game rất thành công ở Châu Âu nhưng chưa chắc đã thành công ở Châu Á.”
Các diễn giả Joehary Mustapha, Joerg Tente, Don Sim, Shallesh Naik.
Ông Frank Sliwka cũng nói thêm “Chu kỳ sống của một game phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Ngoài chất lượng của game còn phụ thuộc các yếu tố như phương thức thanh toán, maketing,...”
“Trước khi tung ra thị trường một game cần phải có thời gian test, tối ưu hoá, kiểm tra xem game đó có phù hợp với thị trường địa phương ko.” - Thomas Andreasen CGO and Co-founder Play lab chia sẻ kinh nghiệm từ vai trò một nhà phát hành game tầm khu vực.
Nhìn chung, trước vấn đề phát hành game, các chuyên gia đều cho rằng việc nghiên cứu rõ thị trường bản địa là rất quan trọng, từ đó mới có các bước đi tiếp theo về tối ưu hóa sản phẩm, bản địa hóa cho địa phương và sau đó mới là các vấn đề về marketing, vận hành,...
Đáp án cho vấn đề này, ông Trần Vinh Quang, COO Appota giải thích: “Để phát hành game tại nước sở tại, thì trên hết là phải hỏi những đối tác địa phương, người nắm rõ thị trường, thị hiếu, người dùng để nghiên cứu thị trường trước. Sau đó mới đến các khâu marketing, monetization, phân phối.” Cũng theo ông, đội ngũ vận hành và hệ sinh thái mobile của một nhà phát hành là hai yếu tố then chốt để tạo nên thành công cho việc phát hành game.
“Hệ sinh thái mobile ở Việt Nam đang rất phát triển. Bản thân chúng tôi cũng có một hệ sinh thái 25 triệu người dùng trên toàn Đông Nam Á, đến từ mạng xã hội game thủ, cổng thông tin game mobile, các cộng đồng người dùng smartphone và người dùng trên hệ thống phân phối. Mặt khác, hệ sinh thái ở Việt Nam cũng có 2 vấn đề gây khó khăn cho nhà phát hành là thanh toán và kiếm tiền. Trong số những người chơi chỉ có 10% người dùng trả phí, nhưng có 90% là free to play. Đây là nguồn thu lớn mà chưa được khai thác. Để tận dụng cơ hội này, chúng tôi đang phát triển một nền tảng quảng cáo và thanh toán trên di động để tối ưu hóa doanh thu và thanh toán. Hai sản phẩm mới này hy vọng sẽ là sự đóng góp cho hệ sinh thái mobile Việt và giúp các nhà phát hành và phát triển game mang được sản phẩm đến tay người dùng cuối dễ dàng hiệu quả hơn.”
Cơ hội dành cho các nhà đầu tư, nhà phát hành và phát triển về một tương lai của ngành game mobile Việt là không thể phủ nhận. Điểm cốt lõi là một chiến lược gia nhập thị trường đúng đắn và lựa chọn đối tác phù hợp. Hy vọng những cái tên như Appota, VNG sẽ mang lại nhiều tin vui nữa cho thị trường trong thời gian tới.
Theo Ictnews.vn