Cơ quan Nhà nước chưa dám "đi tiên phong"
Hơn 1 năm đã qua kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chính thức "bật đèn xanh" cho các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT để tạo ra thị trường cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, cung cấp các dịch vụ CNTT, giảm đầu tư hạ tầng từ ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT.
Và cũng đã hơn nửa năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 80 ngày 30/12/2014 quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước.
Thế nhưng đến nay, phần lớn các cơ quan Nhà nước vẫn chưa thể triển khai thuê ngoài dịch vụ CNTT.
Trao đổi với ICTnews, ông Hoàng Duy Đỉnh, Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng cho biết: "Chính phủ đã có Quyết định 80 rồi nhưng chưa có quy định cụ thể về cách tính giá thuê dịch vụ CNTT cũng như những vấn đề liên quan khác nên đến giờ, chúng tôi vẫn lúng túng không làm được. Cần phải có các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để có thể tính toán được xem thuê phần cứng, phần mềm thế nào, giá cả ra sao... thì mới có thể triển khai được việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước".
Ông Trần Duy Bình, Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa cũng chia sẻ: "Do chưa có quy định rõ ràng và hướng dẫn cụ thể nên chưa thể triển khai được việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước tại địa phương. Hiện Sở TT&TT mới khảo sát nhu cầu thuê dịch vụ CNTT của các cơ quan Nhà nước và đang lập kế hoạch để làm thí điểm. Cũng đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT tìm đến giới thiệu các giải pháp, dịch vụ, nhưng việc lựa chọn giải pháp chỉ là bước sau, còn trước mắt phải có kế hoạch triển khai và các quy chế, quy định đi kèm".
|
Chưa có hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan Nhà nước chưa dám thuê dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp để sử dụng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Doanh nghiệp đành... ngồi đợi
Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ "bật đèn xanh" cho các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT, rất nhiều doanh nghiệp phần mềm, CNTT đã khẳng định sẵn sàng cung cấp dịch vụ CNTT cho các cơ quan Nhà nước thuê để sử dụng.
Song đến giờ này, việc cho thuê dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp vẫn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Công ty Bkav nhận xét: "Chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thuê dịch vụ CNTT nên các cơ quan Nhà nước vẫn chưa dám triển khai. Bản thân Bkav cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng cho thuê dịch vụ nhưng vẫn phải đợi hướng dẫn cụ thể hơn nữa".
Trên thực tế, cách đây vài năm, từ phương thức mua đứt bán đoạn các phần mềm, Bkav đã rục rịch triển khai phương thức cho thuê phần mềm nhưng hạ tầng vẫn là của đơn vị, cơ quan Nhà nước đi thuê phần mềm. Chẳng hạn như với các hệ thống một cửa điện tử, cổng thông tin điện tử, văn phòng điện tử, hội nghị trực tuyến... do Bkav cung cấp, các cơ quan Nhà nước vẫn sử dụng máy chủ (server) của mình, chỉ mua dịch vụ cài đặt, hỗ trợ của Bkav.
"Chi phí đầu tư hàng năm mà các đơn vị, cơ quan Nhà nước phải bỏ ra thấp hơn so với việc "mua đứt" bản quyền phần mềm trước đó. Nhưng cách thức này chưa phải hoàn toàn là thuê dịch vụ CNTT như cộng đồng kỳ vọng, đó là tất cả hạ tầng và dịch vụ CNTT đều do doanh nghiệp đầu tư cung cấp, cơ quan Nhà nước chỉ cần trả phí sử dụng mà thôi", ông Ngô Tuấn Anh khẳng định.
Một doanh nghiệp phần mềm khác cũng tích cực ủng hộ cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước là Công ty MISA. Với gần 25.000 khách hàng là cơ quan Nhà nước đang sử dụng dịch vụ phần mềm của mình, MISA định hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm trên nền điện toán đám mây và cung cấp ra thị trường theo hình thức cho thuê dịch vụ. Một số phần mềm đang được rất nhiều khách hàng thuê sử dụng như quản lý trường học, quản lý tài sản, quản lý hộ tịch…
Tuy nhiên, lãnh đạo MISA cũng thừa nhận: "Việc cho thuê dịch vụ phần mềm và CNTT khó khăn nhất vẫn đang nằm ở vấn đề tâm lý của lãnh đạo các cơ quan Nhà nước. Thêm nữa, tâm lý các đơn vị, cơ quan Nhà nước vẫn muốn tự làm phần mềm, tự mua máy móc vẫn còn cao. Thậm chí, nhiều Bộ, ngành như Bộ Tài chính còn sản xuất cả phần mềm rồi bán cạnh tranh với doanh nghiệp cũng là rào cản cho việc phát triển dịch vụ thuê ngoài CNTT".
Theo Ictnews.vn