|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chủ trì Diễn đàn xúc tiến đầu tư CNTT-TT Việt Nam và Nhật Bản diễn ra tại Nhật Bản.
|
Về quản lý nhà nước, Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tham vấn hỗ trợ xây dựng chính sách như Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ tầng viễn thông, phát triển viễn thông nông thôn, phát triển dịch vụ băng rộng, tái cơ cấu doanh nghiệp, an toàn thông tin, xuất bản điện tử, IPv6…
Ngoài ra hai bên cũng đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy các hợp tác trong lĩnh vực CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng hạ tầng CNTT-TT cho các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội, phần mềm nguồn mở, an toàn mạng, an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực…
Việt Nam và Nhật Bản luôn chia sẻ quan điểm và ủng hộ nhau trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức quốc tế như Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Liên minh Viễn thông Châu Á – Thái Bình Dương (APT)…
Về lĩnh vực TT&TT, Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số (Bộ TT&TT) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác với Trung tâm Phát triển công nghệ nguồn thuộc Công ty Mạng hệ thống Panasonic với mục tiêu trở thành đối tác chiến lược trong việc tư vấn, kinh doanh phát triển sản phẩm iDragon và dịch vụ đám mây điện tử kết hợp với hệ thống mạng Panasonic cho các giải pháp mạng không dây tại Việt Nam cũng như các nước Châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ TT&TT đã cùng với các công ty Mitsubishi, Panasonic, Toshiba, Fujitsu, NTT Data của Nhật Bản hợp tác triển khai thành công Dự án thí điểm “Các mạng cảm biến và các kho dữ liệu cảm biến phục vụ giám sát môi trường, cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai” tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và đã nhận được các phản hồi, đánh giá tích cực của các UBND nơi tiếp nhận dự án.
Hiện nay hai bên vẫn tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 của Dự án, hợp tác ứng dụng hệ thống mạng cảm biến để giám sát về mực nước sông, chất lượng nước, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm,... trên nền tảng iDragon Clounds của Viện Công nghệ phần mềm và Nội dung số nhằm tiến tới lập kế hoạch mở rộng dự án thông qua xin tài trợ ODA của Nhật Bản.
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tiếp Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
|
Nhật Bản cũng là quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển ngành công nghiệp CNTT bao gồm công nghiệp phần cứng và công nghiệp phần mềm. Hiện đã có rất nhiều tập đoàn CNTT của Nhật Bản mở công ty, văn phòng đại diện và đầu tư với quy mô lớn tại Việt Nam như: NTT Vietnam, Fujitsu Vietnam, Avasys Vietnam, Vietnam Image Partner System, CS Factory, AIT (Mitani), Ichi Corporation, NEC Solutions Vietnam, Unisys Vietnam, Nissho Electronics, Hitachi Vietnam…
Trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, Nhật Bản là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã định hướng vào thị trường gia công phần mềm của Nhật Bản và đã cùng nhau thành lập Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt - Nhật (VJC). Dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, VJC và VINASA từ năm 2007 đã tổ chức Ngày hội CNTT Nhật Bản hàng năm nhằm tăng cường thương mại trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và phần cứng với Nhật Bản.
Trong lĩnh vực kinh doanh khai thác viễn thông, các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung vào mảng thông tin di động, cung cấp dung lượng kênh internet. Các liên doanh, hợp tác đều hoạt động ổn định, phát triển tốt, hiệu quả kinh doanh khai thác cao. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã giúp phía Việt Nam giải quyết được nhiều vấn đề về kỹ thuật trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.
Đối với lĩnh vực công nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và hợp tác chủ yếu vào sản xuất tổng đài và thiết bị truyền dẫn. Các liên doanh, hợp tác đều phát triển tốt mang lại lợi nhuận cho cả hai bên.
Trong lĩnh vực bưu chính, các dịch vụ đang khai thác, trao đổi với bưu chính Nhật Bản gồm bưu phẩm, bưu kiện, EMS, chuyển tiền; hiện được chuyển qua cả đường hàng không và đường thuỷ bộ.
Việt Nam và Nhật Bản đã và đang chủ động trao đổi, xây dựng kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử nhằm tìm kiếm cơ hội đưa các kênh truyền hình của Việt Nam sang phát sóng tại Nhật Bản để phục vụ, cung cấp thông tin cho người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản nói riêng và người dân bản xứ nói chung.
Ngoài ra, các kênh truyền hình của Nhật Bản cũng hợp tác mở rộng khu vực phát sóng và giới thiệu chương trình trên đài Truyền hình Việt Nam, cụ thể là 2 kênh: NKH World TV và NHK World Premium là phương tiện quý giá để người dân Nhật Bản cư trú tại Việt Nam có thể cập nhật các thông tin mới nhất của Nhật, đồng thời là phương tiện truyền thông quan trọng để nhân dân Việt Nam và các nước khác có thể dễ dàng thu nhận tin tức về mọi mặt chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của Nhật Bản.
|
Việc phát triển quan hệ hợp tác với Nhật Bản theo hướng đối tác chiến lược có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào việc triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT – TT của Bộ TT&TT .
|
Nhật Bản rất chú trọng vào hợp tác đào tạo với Việt Nam, đặc biệt là đào tạo mang tính chất định hướng thị trường Nhật Bản thông qua việc hỗ trợ tổ chức nhiều khóa đào tạo học tập nghiên cứu.
Trong thời gian qua, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam nhiều khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn trong các lĩnh vực TT&TT. Việc hợp tác đào tạo với Nhật Bản đã giúp Việt Nam nâng cao được khả năng quản lý và kỹ thuật chuyên ngành. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác đào tạo để đáp ứng được yêu cầu hợp tác nói chung và nhu cầu thị trường gia công và xuất khẩu phần mềm rất tiềm năng của Nhật Bản.
Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua đã liên tục được tăng cường và đẩy mạnh một cách toàn diện. Trong lĩnh vực TT&TT, hai phía luôn duy trì tinh thần “đối tác bền vững” và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác qua việc tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin và kinh nghiệm ở tất cả các cấp độ từ cơ quan quản lý nhà nước đến hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Với thực trạng và định hướng hợp tác của hai nước, việc tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước sẽ giúp hai bên có cơ hội hiểu nhau kỹ lưỡng hơn để từ đó xúc tiến và triển khai các hoạt động hợp tác một cách hiệu quả và bền vững từ góc độ quản lý nhà nước cũng như hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Theo Ictnews.vn