Chia sẻ tại diễn đàn ICT Summit 2015 (25/6), ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Software tiếp tục tục than thở về tình trạng cung nhân lực CNTT quá thiếu so với cầu. Theo ông Tiến, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 32.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT hoặc các ngành nghề có liên quan nhưng chỉ có khoảng 9000 em trong số đó có thể đáp ứng được yêu cầu. Số lượng sinh viên đủ năng lực để có thể làm việc ở nước ngoài thậm chí còn ít hơn, chỉ khoảng 3000 người. Trong khi đó, riêng năm 2015 này, FPT đã có nhu cầu tuyển 3600 người. Và với tốc độ phát triển hiện tại thì đến năm 2018, nhu cầu tuyển dụng của một mình FPT đã lên tới 9000 người/năm.
Thiếu nhân lực CNTT đã đành, mà đội ngũ CNTT có ngoại ngữ ở mức "sử dụng được" càng hiếm hơn. Theo tính toán, đến năm 2018, đội ngũ này cũng chỉ loanh quanh 3000-4000 em. Nếu đặt cạnh nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp CNTT thì thực sự chỉ như "muối bỏ bể".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch VINASA nêu câu hỏi, riêng nhu cầu nhân lực của FPT đã vượt trên năng lực nguồn cung, thì còn bao nhiêu CNTT khác, cũng như với các đơn vị, cơ quan có nhu cầu sử dụng, ứng dụng CNTT sẽ phải tìm người ở đâu, tìm như thế nào?
"Có tới 2 sự thiếu hụt ở đây. Chúng ta mới chỉ đang nói đến sự thiếu hụt về số lượng. Nhưng thực chất, chúng ta còn đang thiếu cả về chất lượng, về chuẩn CNTT nữa. Như anh Tiến nói, chúng ta đã đào tạo 32.000 em nhưng lượng làm việc được rút lại chỉ còn vài nghìn", ông Thắng phân tích. Bản thân đơn vị của ông khi cân tuyển người cho dự án làm phần mềm cho nước ngoài cũng nhận thấy chỉ có 10-15% hồ sơ ứng tuyển đáp ứng được. "Sau quá trình đào tạo, rơi rụng thêm thì chỉ còn khoảng 5% trụ lại".
Phải tăng ngay nguồn cung!
Rõ ràng, sự thiếu hụt nhân lực CNTT trầm trọng là một vấn đề đã hiện hữu, nhỡn tiền. Câu hỏi đặt ra là vì sao các trường Đại học, cao đẳng không tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho chuyên ngành này lên? Chẳng hạn như Đại học Quốc gia TP.HCM đã 3 năm nay không thay đổi số lượng sinh viên đầu vào của CNTT.
|
Các đại biểu tham dự tọa đàm về nhân lực CNTT tại diễn đàn ICT Summit 2015. |
Trước thắc mắc này, ông Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM thừa nhận "hệ lụy của vấn đề đã rất rõ ràng, hiển hiện chứ ko còn ở thì tương lai" nữa. Tuy nhiên, đây là bài toán lớn, đòi hỏi nhiều bên cùng phải có trách nhiệm tháo gỡ. Trước hết là vai trò của quản lý nhà nước. "Vấn đề này không phải không quyết liệt làm được, nhưng phải dùng chính sách nhà nước để thúc đẩy đào tạo từ xa qua mạng thật rộng, từ đó chuẩn hóa thế nào là chuyên viên, chuyên gia sau khi tốt nghiệp đại học để có câu trả lời về đầu ra cho sinh viên. Yêu cầu này thì chỉ có chính sách nhà nước mới làm được. CNTT không chỉ là phần mềm, mà phải được ứng dụng, phải đi vào tất cả các ngành khác. Đi vào ngành khác như thế nào thì phải do chính sách nhà nước quyết định", ông Bình chỉ ra.
Một vấn đề thứ hai được đề cập tới là đào tạo nhiều nhưng đi thực tập ở đâu, bởi các doanh nghiệp lớn như FPT cũng không thể thu nhận hết số lượng sinh viên thực tập.
Ông Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT ĐH Bách Khoa Hà Nội lại nhìn câu chuyện tăng số lượng từ một góc khác. Theo Quy định của Bộ GD-ĐT hiện nay, hàng năm, số lượng sinh viên tuyển sinh không được tăng quá 10% vì còn phải cân đối số lượng giảng viên, học phí, sinh viên. Do đó, dù biết rõ doanh nghiệp than thiếu, các cơ sở đào tạo cũng không thể "xé rào" được.
Nhiều giải pháp đã được đề xuất tại phiên tọa đàm riêng về Nhân lực CNTT của ICT Summit chiều qua. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA kiến nghị Nhà nước cần xây dựng Quy hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. "Tất cả các loại hình đào tạo, dù là chính quy hay tư nhân, từ đại học, cao đẳng, học nghề đều nên tăng quy mô lên 30% để kịp đà phát triển và bắt được cơ hội đang đến".
Không những vậy, ông Bình cho rằng cũng cần đưa văn bằng 2 CNTT vào giáo dục Đại học ở tất cả các cấp, vì thực tế cho thấy, 40% cán bộ IT của các cơ quan, đơn vị đều là những người học trái ngành, không hề được đào tạo chính quy về CNTT.
Liên quan đến hình thức đào tạo, các ý kiến đều cho rằng nên đẩy mạnh hình thức học từ xa, hoặc đào tạo CNTT ở các nhà văn hóa xã cho hàng triệu thanh niên nông thôn. Các ngân hàng cũng có thể xem xét việc cho vay để đào tạo để đảm bảo tài chính cho hình thức học từ xa....
Tuy nhiên, bên cạnh việc trông đợi chính sách từ nhà nước, các trường cũng nên đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, với các tổ chức tài chính để xây dựng giáo trình phù hợp với nhu cầu thực tế, cũng như tạo điều kiện cho sinh viên đi học đạt chuẩn, có việc làm ngay sau khi ra trường, ông Nguyễn Đình Thắng đề xuất. Bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động, quyết liệt hơn, vì họ là những người trực tiếp "tiêu thụ" nhân lực CNTT.
Một vấn đề quan trọng nữa mà các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, chính là trả lương cho nhân lực CNTT thế nào. Ông Trương Gia Bình thẳng thắn chia sẻ, "nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến gặp tôi nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam lấy mất người của họ, trong khi họ đã phải mất công đào tạo. Ngược lại, các Doanh nghiệp Vinasa cũng đến gặp tôi than thở, Nhật Bản trả lương gấp đôi, gấp 3 thì doanh nghiệp Việt Nam mất nguồn lực".
Theo Vietnamnet.vn