Cập nhật: 12/06/2015 |
Bước tiến mới cho hợp tác phát triển ngành vi mạch điện tử Việt-Nhật |
|
Đầu tuần này tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức bế giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch tương tự (Analog + 1) đầu tiên cho 15 học viên và công bố dự án hợp tác với công ty CM Engineering (Nhật Bản).
|
|
Hình minh họa. (Nguồn: 123rf.com)
Đầu tuần này tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức bế giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch tương tự (Analog + 1) đầu tiên cho 15 học viên và công bố dự án hợp tác với công ty CM Engineering (Nhật Bản).
Đây là khóa đào tạo nhân lực đầu tiên của đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch điện tử thuộc Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020.
Qua 10 tháng học tập và nghiên cứu, 15 học viên đã hoàn thành tốt nội dung chương trình đào tạo. Sản phẩm của các học viên khi kết thúc khóa đào tạo này là bản thiết kế lỗi IP cứng Delta-Sigma Modulator (DSM) 24-bit. Bản thiết kế này đã được gửi đi chế tạo nước ngoài. Kết quả kiểm tra các đặc tính kỹ thuật của chip Analog này đáp ứng được các yêu cầu thiết kế ban đầu đặt ra.
ICDREC và CM Engineering ký hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tương tự. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)
Tại buổi lễ diễn ra hôm 9/6, ICDREC đã trao 2 phần thưởng cho 2 học viên xuất sắc nhất của khóa đào tạo là kỹ sư Nguyễn Thanh Phong và kỹ sư Nguyễn Minh Hiếu.
Dịp này, ICDREC và Công ty CM Engineering (Nhật Bản) đã ký hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tương tự. Hợp tác này được xem là một bước tiến mới trong việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp vi mạch giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung cũng như sự hợp tác phát triển trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tương tự nói riêng.
Sự thành công của việc hợp tác sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hơn nữa việc tạo ra các sản phẩm vi mạch chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu của xã hội và tạo ra một nền tảng vững chắc trong việc phát triển các chương trình đào tạo ra các kỹ sư giỏi phục vụ cho ngành công nghiệp vị mạch Việt Nam trong thời gian tới.
ICDREC trao chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo thiết kế vi mạch tương tự (Analog + 1) đầu tiên cho 15 học viên. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)
Theo Thạc sỹ Ngô Quang Vinh, Phó Giám đốc ICDREC, sau gần hai năm khảo sát năng lực của ICDREC mà chủ yếu là Phòng Thiết kế vi mạch Analog, Công ty CM Engineering mới đặt hàng gia công. Điều này đã chứng minh tính hiệu quả của chương trình đào tạo và Design House.
Thạc sỹ Ngô Quang Vinh khẳng định, không đào tạo nhân lực sẽ không có đủ người để thực hiện hợp đồng này cũng như những dự án sắp tới của ICDREC nói riêng và Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh nói chung…/.
Theo Vietnamplus.vn
|