|
Lễ ký kết giữa ICDREC và CM Engineering. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Đây là khóa đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch tương tự Analog + 1 đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC).
Giám đốc Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Thái Hỷ cho hay, 15 học viên này nằm trong tổng số 2.000 nhân lực phục vụ cho chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020.
Sau 10 tháng học tập, nghiên cứu và thực hành thiết kế, sản phẩm của các học viên là bản thiết kế lõi IP cứng Delta-Sigma Modulator (DSM) 24-bit, đáp ứng các yêu cầu thiết kế đặt ra.
Theo ông Lê Thái Hỷ, Thủ tướng đã chính thức đồng ý chủ trương xây nhà máy sản xuất vi mạch đầu tiên của cả nước, đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc tổ chức đào tạo đội ngũ nhân lực cho cả khâu thiết kế và sản xuất là rất cấp thiết. Sắp tới, Sở TT&TT sẽ phối hợp chặt chẽ với ICDREC để mở các khóa đào tạo tiếp theo.
Tại lễ bế giảng (ngày 9/6) ICDREC và Công ty CM Engineering của Nhật Bản đã kí kết hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tương tự.
Đây là hợp đồng đầu tiên của Việt Nam trong việc thiết kế vi mạch cho nước ngoài.
Công ty CM Engineering đã dành 2 năm để khảo sát và tìm hiểu năng lực của ICDREC mà chủ yếu là Phòng Thiết kế vi mạch analog rồi mới đi đến quyết định đặt hàng ICDREC thực hiện.
Sự thành công của việc hợp tác sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hơn nữa việc tạo ra các sản phẩm vi mạch chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu của xã hội và tạo ra nền tảng vững chắc phát triển đội ngũ kỹ sư giỏi, phục vụ cho ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Baodientu.chinhphu.vn