Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, 5 năm triển khai Quy hoạch đã góp phần đảm bảo an toàn thông tin cho cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; Đảm bảo an toàn dữ liệu và ứng dụng CNTT cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương và toàn xã hội; Phát triển nhân lực và nâng cao nhận thức xã hội về an toàn thông tin; Cải thiện môi trường pháp lý về an toàn thông tin; Khuyến khích phát triển các sản phẩm nội địa về an toàn thông tin …
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Huy Dũng, vẫn còn nhiều việc hết sức cấp bách trong việc đảm bảo an toàn thông tin. Công tác bảo đảm an toàn thông tin của Việt Nam vẫn ở thế bị động. Khảo sát cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để bảo đảm an toàn thông tin và chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó khi sự cố xảy ra. Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống quan trọng quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin chưa đầy đủ, không có cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật như các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và trong nước, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại và phát tán thư rác cao trên thế giới. Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại của Việt Nam trên máy tính vào khoảng 66%, cao gấp 3 lần tỉ lệ trung bình của thế giới.
Năng lực công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Thị trường an toàn thông tin Việt Nam vẫn ở giai đoạn mới bắt đầu, chưa định hình rõ nét nên chưa có cơ hội phát triển bứt phá. Các doanh nghiệp viễn thông, CNTT lớn chưa dành sự quan tâm đúng mức tới thị trường này.
Trên cơ sở phân tích mặt được và mặt chưa được của Quy hoạch Phát triển an toàn thông tin số Quốc gia được triển khai trong 5 năm qua, Cục An toàn Thông tin nhận định: Quy hoạch theo Quyết định 63/QĐ-TTg chủ yếu đề cập đến các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước, chưa chú ý nhiều đến bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của người dân. Ngoài ra, hiện nay, bốn xu hướng công nghệ lớn đã, đang và sẽ định hình ngành CNTT thế giới trong 10-15 năm tới gồm: mạng xã hội, ứng dụng di động, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây. Do vậy, cần phải cập nhật, làm rõ thêm một số nội dung về an toàn thông tin nhằm tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa.
Tại buổi họp, Cục An toàn Thông tin đã báo cáo dự thảo Kế hoạch Bảo đảm an toàn thông tin Quốc gia giai đoạn 2016-2020, thay thế cho Quy hoạch Phát triển an toàn thông tin số trước đây. Dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đến từ các cục, vụ chức năng của Bộ và các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng yêu cầu Cục An toàn Thông tin tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo Kế hoạch Bảo đảm an toàn thông tin Quốc gia giai đoạn 2016-2020 và trình lên Lãnh đạo Bộ trong tháng 6 này. Thứ trưởng cũng nhất trí với đề xuất của Cục An toàn Thông tin về việc tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Quyết định 63 phê duyệt Quy hoạch Phát triển an toàn thông tin số Quốc gia đến 2020.
Theo Mic.gov.vn