|
Theo nhận định của nhiều DN phần mềm trong nước, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội không giới hạn từ thị trường thuê ngoài dịch vụ CNTT toàn cầu. (Nguồn ảnh: Internet)
|
Thời gian gần đây, Việt Nam liên tiếp được đánh giá là điểm đến hấp dẫn về ủy thác dịch vụ phần mềm (Software Outsourcing). Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2014 được Bộ TT&TT công bố hồi tháng 10 năm ngoái cho hay, Việt Nam vẫn nằm trong Top 10 khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Top 30 thế giới về gia công phần mềm theo báo cáo của Tập đoàn Gartner năm 2014. Hà Nội và TP.HCM tiếp tục có tên trong Top 100 thành phố hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm, trong đó TP.HCM xếp thứ 17 và Hà Nội xếp thứ 22.
Đáng chú ý, theo báo cáo “Where in the World? Business Process Outsourcing (BPO) & Shared Service Location Index” của C&W công bố mới đây, Việt Nam đứng ở vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các điểm đến về BPO. Được thành lập năm 1917, hiện có 16.000 nhân viên và 248 văn phòng tại 58 quốc gia, C&W hoạt động trong các lĩnh vực thị trường vốn, tư vấn, dịch vụ cho khách thuê doanh nghiệp và nhà đầu tư, định giá và tư vấn.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các điểm đến về BPO. Theo C&W, điều này có thể gây ngạc nhiên cho một số người nhưng hiện Việt Nam đã trở nên đặc biệt hấp dẫn nhờ những chính sách cải cách của Chính phủ. Chính sách đầu tư quy mô lớn cho giáo dục và đào tạo đã giúp nhiều người Việt Nam có trình độ và kỹ năng cao hơn tạo điều kiện để Việt Nam dịch chuyển nguồn nhân lực của mình từ các lĩnh vực có năng suất lao động thấp sang các lĩnh vực có năng suất lao động cao hơn.
|
Theo báo cáo mới công bố của Cushman & Wakefield, Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 (năm 2014) lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các điểm đến BPO.
|
Cũng theo báo cáo của C&W, với mức lương thấp hơn so với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã thiết lập được vị trí là một trong những điểm đến “off-shore” hấp dẫn trên toàn cầu (điểm gia công dịch vụ tại nước ngoài) với chất lượng tốt nhất so với chi phí.
Hiện có khoảng 1.000 công ty phần mềm với trên 80.000 nhân viên, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới và là thị trường ủy thác dịch vụ phần mềm lớn thứ 2 của các đối tác Nhật Bản. Bên cạnh đó, với tỷ lệ dân số trẻ và khoảng 1-1,5 triệu người gia nhập thị trường lao động hàng năm, Việt Nam đang có một nguồn cung nhân lực khá dồi dào.
Đại diện của C&W cho biết: “Mặc dù không phải là điểm đến gia công phần mềm với giá rẻ nhất, Việt Nam vẫn còn rất cạnh tranh so với các địa điểm khác trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chi phí tại Ấn Độ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng”.
Trước đó, trên tờ TechCrunch, ông Lieberman, Chủ tịch KMS Technology, hãng cung cấp dịch vụ CNTT có văn phòng tại Atlanta (Mỹ) và TP.HCM đã đưa ra nhận định: “Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam được coi là điểm thay thế Trung Quốc và Ấn Độ trong lĩnh vực dịch vụ thuê ngoài, trong bối cảnh chi phí gia tăng và tỷ lệ nghỉ việc tại những nước này đều đang ở mức cao”.
Theo ông Lieberman, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực thuê ngoài dịch vụ dựa trên 2 yếu tố: nguồn nhân lực có kỹ năng IT hiện đại và tỷ lệ nhảy việc thấp.
Dựa trên những kinh nghiệm hoạt động tại Ấn Độ, vị Chủ tịch KMS Technology nhận thấy kỹ năng IT hiện đại của lao động Việt Nam đã bằng và trong một số trường hợp còn vượt quốc gia Nam Á khác. Khả năng ngoại ngữ của nhân lực IT Việt Nam cũng xuất sắc, đồng thời, các trường học đang chú trọng dạy tiếng Anh, thành thạo ngôn ngữ này sẽ cho phép Việt Nam tiến xa trong lĩnh vực IT.
Với kinh nghiệm 20 năm làm việc tại Việt Nam, ông Lieberman nhận thấy sự cam kết, tính tập trung và lòng trung thành tại đây ngày càng mạnh. Tỷ lệ nghỉ việc cũng chỉ khoảng 6-8%. Trong khi đó, con số này tại Ấn Độ là 20%.
“Duy trì được tỷ lệ nghỉ việc thấp không chỉ do các yếu tố bên ngoài mà doanh nghiệp cần tạo ra môi trường văn hóa hấp dẫn từ bên trong. Các công ty nên đảm bảo cơ hội phát triển cho nhân viên thông qua tập huấn, có chính sách thăng chức rõ ràng và khuyến khích các hoạt động xã hội như tiệc cuối tuần hay đi chơi tập thể. Hãy cho thấy nhân viên thấy công ty thực sự quan tâm đến họ”, ông Lieberman đưa ra lời khuyên.
Trong khi đó, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp phần mềm trong nước, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội không giới hạn từ thị trường thuê ngoài dịch vụ CNTT toàn cầu.
Theo con số dự báo của hãng nghiên cứu Gartner, tổng mức chi cho CNTT thế giới vào năm 2015 ước đạt 980 tỷ USD. Trong đó, riêng chi cho ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) là 299 tỷ USD.
Hãng nghiên cứu này cũng cho rằng, 67% nhân lực cho ngành CNTT sẽ đến từ khu vực châu Á và Việt Nam là một trong 5 điểm đến mới về Outsourcing trong khu vực châu Á. Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội từ xu hướng chuyển dịch địa điểm ủy thác dịch vụ IT sang các nước trong khu vực Đông Nam Á của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã và đang nỗ lực chuẩn bị các nguồn lực cần thiết cho việc khai thác cơ hội lớn từ thị trường thuê ngoài dịch vụ CNTT toàn cầu. Gần đây nhất phải kể đến FPT, công ty này đã có những động thái khá mạnh mẽ trong việc chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài, trước hết là nguồn nhân lực.
Cụ thể, bên cạnh việc bổ nhiệm nhân sự người nước ngoài vào các vị trí quan trọng của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, FPT đang triển khai mạnh mẽ chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối (BrSE) cho thị trường Nhật Bản. Còn về năng lực công nghệ, FPT đã có được vị trí nhất định trong hệ sinh thái công nghệ lớn của thế giới thông qua việc cung cấp dịch vụ dựa trên nền công nghệ S.M.A.C.
Theo Ictnews.vn