Bán SIM đã kích hoạt là “đầu vào” cho tin nhắn rác
Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, tình trạng phát tán tin nhắn rác và quảng cáo qua tin nhắn gây bức xúc rất lớn đối với người sử dụng di động. Nhiều đại biểu HĐND đã đưa vấn đề tin nhắn rác chất vấn tại nhiều phiên họp HĐND TP.HCM khiến sở TT&TT rất khó giải trình. Trước vấn nạn này Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, quản lý tin nhắn rác là cần thiết và Bộ TT&TT phải có biện pháp quản lý trên tinh thần bảo đảm quyền lợi của cộng đồng, của số đông người dân.
Trong báo cáo mới đây của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) hiện công tác quản lý thông tin thuê bao di động, quản lý các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động chưa được các mạng di động quản lý chặt chẽ. Tình trạng mua bán tràn lan SIM đã kích hoạt, không tuân thủ đúng quy định về khai báo thông tin thuê bao, nhưng không được các mạng di động quản lý chặt chẽ.
Cục Viễn thông cho rằng đây là những nguyên nhân cơ bản khiến cho tin nhắn rác đang hoành hành hiện nay và rất khó cho việc ngăn chặn. "Khi phát hiện tin nhắn tác thì việc phát tin nhắn rác đã được thực hiện và số thuê bao phát tin nhắn rác đã hết tài khoản và không sử dụng nữa. Vì vậy, gây khó khăn trong việc xử lý, ngắn chặn tin nhắn rác từ số thuê bao này" đại diện Cục Viễn thông nói.
SIM đã kích hoạt bán công khai, mua bao nhiêu cũng có
Trong vai khách hàng, PV ICTnews ghé vào một đại lý có biển quảng cáo khá lớn trên đường Kim Mã. Tại đây, có thể dễ dàng mua SIM trả trước của các mạng di động Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile mà không cần phải đăng ký thông tin cá nhân như quy định của Bộ TT&TT. Chỉ cần bỏ ra 90.000 đồng, khách hàng có thể mua SIM VinaPhone với tài khoản sẵn có 160.000 đồng hay với 70.000 đồng là khách đã có SIM Viettel với tài khoản 100.000 đồng, "khủng" nhất là SIM Vietnamobile với tài khoản sẵn có 320.000 đồng mà chỉ phải trả 90.000 đồng. Chủ đại lý này cũng giới thiệu cả loại SIM mới 10 số mà chưa kích hoạt có giá đến 200.000 đồng. Chủ đại lý này giải thích sở dĩ SIM này đắt hơn giá bán của nhà mạng bởi nó dễ nhớ hơn SIM 11 số.
PV ICTnews chọn mua 1 chiếc SIM của mạng Viettel có giá 70.000 đồng và thử nhắn tin tra cứu số tiền còn lại trong tài khoản thì tin nhắn trả về báo cho biết SIM này được kích hoạt ngày 28/2/2015 (cách đây gần 1 tháng), hiện có 30.000 đồng ở tài khoản chính và 70.000 đồng nằm trong tài khoản khuyến mại. PV ICTnews thử tra cứu thông tin thuê bao theo cú pháp "TTTB" gửi 1414, kết quả từ tổng đài báo cho biết SIM này hiện đang đăng ký dưới tên "Le Dinh Thao" kèm theo ngày sinh và số CMTND.
|
Rất dễ để mua "sim rác" mà không cần khai báo thông tin cá nhân
|
|
Hầu hết thông tin cá nhân khai báo là ảo
|
Chuyển sang một cửa hàng khác trên cùng phố Kim Mã, PV ICTnews nhận thấy ở đây đều bán SIM đã kích hoạt trước của hầu hết các nhà mạng và luôn nhận được câu trả lời từ đại lý SIM thẻ rằng không cần phải đăng ký thông tin cá nhân khi mua SIM. Chỉ nhứng SIM đẹp, Sim theo ngày tháng năm sinh… thời mới cần đăng ký thông tin người dùng, nhưng khách hàng sẽ phải tự đến các điểm dịch vụ của nhà mạng để khai báo thông tin chính chủ.
Trên phố Lương Thế Vinh, một cửa hàng khi được PV ICTnews hỏi mua cho biết các SIM rác đều đã kích hoạt, SIM chưa kích hoạt cũng chỉ dành cho...SIM đẹp, việc đăng ký lại thông tin chính chủ mặc dù SIM đã có "thông tin ảo" đăng ký trước đó vẫn thực hiện được khi ra các điểm dịch vụ. Chủ cửa hàng này tỏ ra không mấy băn khoăn việc nhà mạng có kiểm tra việc bán SIM theo đúng qui định hay không.
PV ICTnews đến một đại lý SIM thẻ trên phố Lương Thế Vinh cũng nhận được nhưng thông tin tương tự như trên. Nhân viên đại lý này cho biết các SIM rác này đều đã được kích hoạt. Những SIM chưa kích hoạt cũng chỉ dành cho...SIM đẹp thôi. Tại cửa hàng SIM số đẹp có tiếng trên đường Giải Phóng, nhân viên bán hàng ở đây cho biết: "Thông tin SIM đẹp thì bọn em kích ảo lên thôi. Bên em sẽ làm đăng ký thông tin chính chủ cho khách. Các SIM này hầu như kích hoạt lên để giữ lại số, khỏi bị nhà mạng thu hồi". PV ICTnews hỏi muốn mua số lượng lớn SIM rác thì nhân viên bán hàng ở đây chỉ đến một đại lý lớn ở phố Lương Khánh Thiện. "Anh cần mua SIM rác cứ ra đấy. Em giới thiệu qua bên này bán buôn, bao nhiêu SIM cũng có, giá rẻ hơn" nhân viên đại lý này nói.
PV ICTnews đến đại lý ở địa chỉ số 19 Lương Khánh Thiện theo lời gợi ý của cô nhân viên này thì tại đại lý này có treo bảng giá bán buôn các Sim đã kích hoạt kàm tài khoản. “Anh muốn mua nhiều SIM rác để nhắn tin cho khách hàng bất động sản à, số lượng bao nhiêu? Anh xem bảng giá ở kia, anh muốn mua SIM mạng nào? Ở đây bọn em nói giá bán buôn rồi đấy, SIM được kích hoạt hết rồi chỉ việc nhắn tin thôi” nhân viên ở cửa hàng này nói.
|
Bảng giá bán buôn SIM tại cửa hàng ở phố Lương Khánh Thiện
|
PV ICTnews đến một đại lý Sim thẻ cạnh đại học Thủy Lợi hỏi mua SIM rác để nhắn tin spam quảng cáo bất động sản. Chị chủ đại lý này đon đả trả lời “Thế kỉ 21 rồi không ai làm tay em ơi, bên chị cũng nhận nhắn tin rác bằng phần mềm hết. Bọn chị có cách để spam không bị khóa. Giá 38 đồng/một tin nhắn rác đến thuê bao của Viettel, còn nhắn tin rác tới thuê bao của VinaPhone và MobiFone còn rẻ hơn nhiều”.
Cho dù Bộ TT&TT đã ban hành nhiều quy định để quản lý thuê bao di động trả trước như bắt buộc thuê bao phải đăng ký thông tin cá nhân, SIM bán ra phải là SIM trắng, không được kèm tài khoản và mỗi cá nhân không được sở hữu quá 3 SIM/1 mạng, nhưng thực trạng thị trường vẫn bán công khai các SIM đã kích hoạt kèm tài khoản cho thấy việc tuân thủ các quy định này không nghiêm. Như vậy, phần đông những người sử dụng di động sẽ tiếp tịc là nận nhân của tin nhắn rác, thậm chí cả những tin nhắn "khủng bố" hay lừa đảo.
Theo Ictnews.vn