|
Quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2 tới. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
|
Ngày 10/2/2015, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc triển khai thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước.
Theo đó, nhằm thúc đẩy triển khai thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 80/QĐ-TTg (Quyết định 80) ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và các cơ quan liên quan tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định 80. các vướng mắc phát sinh, nhất là liên quan tới nguồn vốn, cơ chế tài chính và đề xuất giải pháp khắc phục; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2015, với đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan nhà nước); các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước (gọi tắt là nhà cung cấp dịch vụ).
Quyết định 80 quy định rõ, việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước phải được thực hiện theo nguyên tắc nâng cao hiệu quả của ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong trường hợp khả thi, tiếp tục khai thác tối đa hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, phần mềm, phần cứng, thông tin, dữ liệu đã có.
Bên cạnh đó, xem xét áp dụng hình thức thuê dịch vụ tập trung trong phạm vi của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các dịch vụ CNTT có tính chất, tính năng giống nhau mà nhiều cơ quan, đơn vị cùng có nhu cầu sử dụng.
Thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ và phần mềm được đặt hàng riêng để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ (nếu có) là tài sản thuộc sở hữu của bên thuê. Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ các thông tin, dữ liệu, mã nguồn của phần mềm đặt hàng riêng nói trên và các công cụ cần thiết khi kết thúc hợp đồng để đảm bảo cơ quan nhà nước vẫn có thể khai thác sử dụng dịch vụ được liên tục kể cả trong trường hợp thay đổi nhà cung cấp dịch vụ.
Đồng thời, việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước còn phải được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm các yêu cầu về chất lượng dịch vụ, về công nghệ, quy trình cung cấp dịch vụ; tính liên tục, liên thông, kết nối, đồng bộ về ứng dụng CNTT trong mỗi bộ, ngành, tỉnh, thành phố và trên toàn quốc; đồng thời bảo đảm an toàn, bảo mật và tính riêng tư về thông tin, dữ liệu của cơ quan nhà nước; tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, an ninh thông tin, cơ yếu và Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước.
Ưu tiên các DN, tổ chức mà trong đó các pháp nhân và thể nhân Việt Nam nắm quyền kiểm soát chi phối và nắm giữ cổ phần chi phối (đối với công ty cổ phần) hoặc nắm giữ phần vốn góp chi phối (đối với các loại hình doanh DN khác) tham gia cung cấp dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, hoạt động thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước chịu sự giám sát, theo dõi, kiểm tra, đánh giá định kỳ về mặt chuyên môn, xác định mức độ đạt được so với yêu cầu của bên thuê, do cơ quan chuyên môn có thẩm quyền tiến hành, hoặc yêu cầu báo cáo, nhằm bảo đảm việc thuê dịch vụ CNTT đạt hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, chương trình và kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT trong cơ quan nhà nước. Riêng với hoạt động thuê dịch vụ CNTT dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoạt động này còn phải chịu sự giám sát, đánh giá định kỳ và về kết quả sử dụng ngân sách được cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Theo Ictnews.vn