|
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng và ông Craig Nielsen cùng ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: H.Đ
|
Theo biên bản ghi nhớ, chương trình hợp tác diễn ra trong hơn 1 năm và bắt đầu ngay từ đầu năm 2015 nhằm nâng cao năng lực đảm bảo an toàn hệ thống Chính quyền điện tử của thành phố Đà Nẵng.
Bộ phận bảo mật của Tập đoàn Intel (Intel Security, tiền thân là McAfee - PV) sẽ cung cấp gói giải pháp bảo mật thiết bị đầu cuối Endpoint Protection Suite, xây dựng một phòng thí nghiệm bảo mật tại Đà Nẵng nhằm thiết lập cấu trúc mạng lưới an toàn, nghiên cứu và đánh giá năng lực ứng dụng CNTT trong phát triển chính quyền điện tử của thành phố; đào tạo, cung cấp thêm các kiến thức chuyên môn sâu rộng, tổ chức đào tạo đối với người dùng cuối (cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, chuyên viên CNTT) của Đà Nẵng.
Tại sự kiện, ông Craig Nielsen, Tổng Giám đốc Intel Security khu vực Đông Nam Á, phân tích: Tội phạm mạng đang sử dụng những kỹ thuật tấn công ngày càng phức tạp, không chỉ nhắm vào người dùng cá nhân và doanh nghiệp mà còn hướng tới hệ thống mạng cơ quan chính phủ các cấp, khai thác đánh cắp dữ liệu mật quốc gia. Với hợp tác này, Intel có thể cung cấp công nghệ, giải pháp và tư vấn chuyên sâu toàn diện hơn nữa cho Sở TT&TT Đà Nẵng, giúp xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông của thành phố hiện đại, an toàn và bền vững, phục vụ hiệu quả chính quyền điện tử của thành phố trong tương lai gần.
Theo ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, thành phố đang chuẩn bị đưa vào ứng dụng nhiều dịch vụ công trên nền Chính quyền điện tử và rộng khắp ở các ban, ngành, các cấp chính quyền, doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo… Chính quyền thành phố nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc phải nâng cao năng lực quản lý, vận hành, nhất là tăng cường bảo vệ hạ tầng kỹ thuật CNTT. Ngoài chủ động bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống bằng chính năng lực nội tại, thành phố sẵn sàng hợp tác cùng các đơn vị trong và ngoài nước để nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin.
Thành phố Đà Nẵng đã có 5 năm liền dẫn đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong bảng xếp hạng khối các địa phương trên cả nước (2009-2014). Những năm gần đây, thành phố lần lượt đưa vào vận hành hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật phục vụ Chính quyền điện tử cũng như các ứng dụng phục vụ dân sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Đà Nẵng còn là thành phố giữ vai trò động lực, cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây ra Biển Đông.
|
Ông Craig Nielsen, Tổng Giám đốc Intel Security khu vực Đông Nam Á.
|
Hiện nay, với sự hỗ trợ về công nghệ và triển khai của Intel, Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động, vận hành hiệu quả trung tâm dữ liệu xanh trên nền công nghệ điện toán đám mây, góp phần tạo nền tảng vững chắc để triển khai chính quyền điện tử tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.Sự hợp tác lần này là bước tiếp theo kể từ Biên bản ghi nhớ hợp tác năm 2011 được ký kết giữa Sở TT&TT Đà Nẵng cùng Intel Việt Nam trong việc sử dụng thử nghiệm, chia sẻ kiến thức về các công nghệ mới nhất của Intel nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác hạ tầng CNTT của thành phố.
Sau nhiều năm xây dựng, thành phố Đà Nẵng đã hình thành được một Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử tương đối hoàn thiện. Những hạng mục quan trọng và cơ bản về hạ tầng đã được đầu tư xây dựng như mạng đô thị, Trung tâm dữ liệu, Hệ thống kết nối không dây công cộng, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu ứng dụng CNTT-TT. Với nền tảng đó, hàng loạt các ứng dụng Chính quyền điện tử đã được xây dựng dựa trên một nền tảng ứng dụng CNTT-TT của thành phố (Danang egov Platform), bao gồm các cơ sở dữ liệu nền tảng, ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ dùng chung như hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, hệ thống một cửa điện tử tập trung; dịch vụ công trực tuyến... Ngoài ra, còn có các ứng dụng hỗ trợ quản lý chuyên ngành như quản lý giao thông công cộng, quản lý chất lượng nước, quản lý điện chiếu sáng công cộng...
Theo Ictnews.vn