|
Mỗi trạm thu phí một dừng hiện nay, riêng tiền in vé tốn khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Nguồn: Internet
|
Hôm nay, ngày 13/3/2015, tại trạm thu phí Tasco Quảng Bình - xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã diễn ra Lễ kiểm thử công nghệ thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe.
Dự án thu phí tự động không dừng là hệ thống quản lý thu phí tự động, dùng tại các trạm trên mọi tuyến quốc lộ. Dự án được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo trực tiếp và giao cho Công ty Cổ phần Tasco và Ngân hàng BIDV tổ chức triển khai thử nghiệm và vận hành toàn bộ hệ thống, Viettel là đơn vị cung cấp giải pháp CNTT tổng thể. Theo đó, Viettel chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT và tích hợp các giải pháp giám sát và thu phí tự động không dừng.
Sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng giúp chủ phương tiện tham gia giao thông tiết kiệm tốt đa thời gian, chi phí xăng dầu khi phải dừng đỗ, các doanh nghiệp đầu tư tiết kiệm tối đa chi phí nhân công, in vé và cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý. Một ưu điểm lớn mà Hệ thống thu phí không dừng mang lại là tính minh bạch hóa thông tin giao dịch và nâng cao vai trò quản lý của các đơn vị. Đồng thời là tiền đề giúp Chính phủ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông.
Đặc biệt hơn, hệ thống được quản lý tập trung, bảo mật tối đa thông tin của chủ phương tiện; các nhà quản lý có thể nắm bắt tình hình giao thông một cách nhanh chóng và thức thời qua hệ thống trung tâm.
Ông Phạm Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần TASCO cho biết: “Tổng cộng lợi ích kinh tế - xã hội hàng năm có thể ước lượng được bằng tiền khi áp dụng hệ thống thu phí không dừng ETC là 3.400 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, mỗi trạm thu phí một dừng hiện nay, riêng tiền in vé tốn khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, hơn nữa khi xe phải dừng thì khấu hao xe, chi phí nhiên liệu cũng tốn mấy trăm tỷ đồng/năm”.
Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng, chủ phương tiện sẽ áp được phát một thẻ định danh E-tag (miễn phí) dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Sau khi xe được gắn thẻ E-tag chạy vào làn thu phí không dừng, hệ thống nhận diện xe bằng công nghệ Laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống Atena sẽ phát tín hiệu để đọc thẻ E-tag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản thu phí của xe đủ điều kiện, thanh chắn barie mở tự động để xe qua, tin nhắn SMS sẽ gửi về số điện thoại đã đăng ký. Tài khoản này có thể nạp tiền bằng nhiều kênh khác nhau như nạp trực tiếp, qua mạng Internet, qua ngân hàng, thẻ cào điện thoại, gửi tin nhắn bằng điện thoại.
Dự án này có ý nghĩa quan trọng trong định hướng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa Việt Nam cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Dự kiến dự án chính thức được triển khai vào đầu tháng 5/2015, sau đó sẽ áp dụng tại 35 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và Quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Theo Ictnews.vn