Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để thực hiện định hướng đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong lĩnh vực y tế, thời gian qua ngành y tế đã ứng dụng rộng rãi nhiều thành tựu trong công tác khám chữa bệnh như: kỹ thuật chụp lớp, nội soi bằng robot, các mô hình giảng dạy y khoa, giám sát dịch tễ… Nhờ ứng dụng CNTT, công tác quản trị bệnh viện đã có những bước tiến tích cực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế đòi hỏi rất lớn nhưng tính thực hiện và khả thi còn khó khăn. Bởi lẽ ngành vừa mang tính kỹ thuật, vừa ứng dụng lên con người và mang tính xã hội. Trước hết, ngành Y tế sẽ tập trung ứng dụng CNTT vào nhiệm vụ trọng tâm là giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là tuyến Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, đối với ngành y tế, CNTT phải được coi là trọng điểm. Tuy nhiên, cần xác định việc áp dụng CNTT trong y tế mang lại lợi ích gì cho người bệnh? Từ nay đến năm 2020, ngành cần áp dụng CNTT để quản lý tổng thể Thẻ Bảo hiểm y tế, tiến tới là quản lý tình trạng sức khỏe của mọi công dân, để mỗi người dân đều có một tấm thẻ ghi tình trạng cơ sức khỏe và mã số bảo hiểm để đi đến đâu cũng được khám chữa bệnh.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. |
Ứng dụng CNTT thành công là công khai, minh bạch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nếu không có sự gắn kết lại thì tất cả chỉ là manh mún, đòi hỏi sự tham gia của cả doanh nghiệp, bệnh viện, Bộ và Chính phủ. Nhưng quan trọng nhất là Giám đốc các bệnh viện và doanh nghiệp. Việc ứng dụng CNTT có thành công hay không thì không phải do người làm kỹ thuật mà phải do người đứng đầu có quyết tâm đẩy mạnh công khai, minh bạch hóa ra không. Riêng ngành Y tế có hàng nghìn dịch vụ, cần khắc phục câu chuyện manh mún từ trước đến nay, tạo một nền và mở ra để tất cả các doanh nghiệp công nghệ thông tin đều vào làm ứng dụng.
Cụ thể, các bệnh viện, sở y tế phải cập nhật, báo cáo kết quả đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế cũng như việc kiểm định chất lượng về Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế để cập nhật lên Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế cũng như Mạng đấu thầu mua sắm công của Bộ KH&ĐT.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm qua, ngành y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tới nhiều hoạt động y tế từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức chỉ đạo về ứng dụng công nghệ thông tin từ cơ quan Bộ đến các đơn vị. Thống kê năm 2014, 100% tuyến Trung ương có ứng dụng phần mềm tin học bệnh viện; ở tuyến tỉnh và huyện lần lượt là 68%, 61%.
Tuy nhiên, khả năng kết nối liên thông các hệ thống thông tin bệnh viện giữa các bệnh viện chưa có. Bộ Y tế đang triển khai thí điểm dự án Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống bệnh viện, trong đó có nâng cấp phần mềm tin học quản lý bệnh viện của 6 bệnh viện (Nhi Trung ương, Nhi Thanh Hóa, Phụ sản Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương, Đa khoa Hà Tĩnh và Đa khoa Trung ương Huế).
Việc liên thông phần mềm giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội là một giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường chất lượng bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục hành chính khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Bộ Y tế cũng đã triển khai hoạt động y tế từ xa tại các bệnh viện (như Bạch Mai, Việt - Đức…) với các hoạt động giao ban hàng tuần trực tuyến, chẩn đoán hình ảnh từ xa, hội chẩn, tư vấn các ca khó, khám chữa bệnh từ xa…
Theo Vnmedia.vn