|
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc phát triển các khu CNTT tập trung phải đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường, kinh tế xã hội, quóc phòng, an ninh.(Ảnh: Internet)
|
Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ khẳng định quan điểm phát triển các khu CNTT tập trung là tiền đề quan trọng để công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Lựa chọn các địa phương có lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và CNTT, nguồn nhân lực về CNTT và mức độ ứng dụng, phát triển CNTT để xây dựng các khu CNTT tập trung.
Quy hoạch nhằm mục tiêu xây dựng một số khu CNTT tập trung ở các tỉnh, thành phố có điều kiện theo quy định của pháp luật, nhất là nguồn vốn để triển khai xây dựng hạ tầng CNTT tập trung (từ ngân sách nhà nước địa phương và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp), đã có các dự án đầu tư, các sản phẩm CNTT lớn. Riêng với 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ xây dựng từ 2 - 3 khu CNTT tập trung tại mỗi thành phố.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, một nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là nghiên cứu xây dựng cơ chế cho phép lập quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ việc ươm tạo và hoạt động của các doanh nghiệp mới trong khu CNTT tập trung. Cụ thể, sẽ lựa chọn, triển khai đầu tư một số vườn ươm điểm tại các khu CNTT tập trung, chuyên nghiên cứu phát triển các sản phẩm đặc thù phục vụ công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách đối với các khu CNTT tập trung, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, Nhà nước khuyến khích các nguồn lực xã hội, vốn đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển các khu CNTT tập trung.
Đồng thời, sẽ hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu phát triển trong các khu CNTT tập trung; đẩy mạnh việc trao đổi, kết hợp các hoạt động sản xuất và nghiên cứu giữa các khu CNTT tập trung và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Xây dựng và phát triển mạng liên kết giữa các khu CNTT tập trung với các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực CNTT để chia sẻ thông tin, tri thức.
Cùng với đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị đào tạo nhân lực CNTT trong các khu CNTT tập trung tổ chức các chương trình đào tạo, thực hiện liên kết hợp tác với các tổ chức đào tạo có uy tín trên thế giới trong lĩnh vực CNTT để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu CNTT tập trung.
Ngoài ra, thương hiệu, hình ảnh của các khu CNTT tập trung Việt Nam cũng như thương hiệu của CNTT-TT Việt Nam nói chung sẽ được tăng cường quảng bá trong thời gian tới nhằm góp phần thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia vào hoạt động trong các khu CNTT tập trung.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT phổ biến, hướng dẫn các địa phương thực hiện Quy hoạch; Hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong các khu CNTT tập trung; Hỗ trợ các khu CNTT tập trung nâng cao khả năng nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực CNTT; đồng thời xây dựng và quản lý hệ thống thông tin toàn quốc về khu CNTT tập trung; đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu CNTT tập trung…
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động đề xuất công nhận, thành lập các khu CNTT tạp trung tại địa phương mình, căn cứ theo tiêu chí khu CNTT tập trung theo Nghị định 154/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khu CNTT tập trung và quan điểm, yêu cầu, mục tiêu của Quy hoạch.
Theo Ictnews.vn