Năm 2004, Sở Bưu chính - Viễn thông TP HCM ra đời với đặc điểm… nổi bật là một Sở “3 không”: không trụ sở, không nhân viên, không tiền. “Tài sản” duy nhất chỉ là… tờ giấy Quyết định thành lập!
Ngày đó, không có trụ sở, cuộc họp đầu tiên của Ban Giám đốc là ở quán cà phê. Công văn đầu tiên là công văn mượn 50 triệu đồng của Sở Khoa học và Công nghệ. Bàn Giám đốc Sở ngồi làm việc cũng phải mượn. Chuyện thật như đùa là khi tôi đang ngồi làm việc, nhân viên của Sở Thương mại chạy qua… khiêng luôn cái bàn đi, chỉ còn cái ghế cho tôi ngồi.
Cuộc họp đầu tiên và con đường rộng mở
Nhiều người biết đến việc Sở là đơn vị đầu tiên phát hiện những bất cập, sai phạm trong thực hiện Đề án 112 và đề xuất ngưng Đề án này. Thế nhưng ít ai biết sau đó là một câu chuyện khác…
Sở làm lễ ra mắt ngày 17/12/2004 thì ngày 29/12 tôi được dự cuộc họp đầu tiên của UBND TP do Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chủ trì làm việc với Sở Bưu chính - Viễn thông và Ban chỉ đạo 112. Đề án 112 lúc đó rất nổi tiếng và là một thành trì vững chắc.
Bộ Bưu chính - Viễn thông, các sở được thành lập với nhiệm vụ quan trọng là phát triển công nghệ thông tin, trong đó trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin.
|
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà |
Thế nhưng, vào thời điểm đó, Đề án 112 về tin học hóa cơ quan hành chính nhà nước lại đang được Văn phòng Chính phủ và văn phòng UBND các tỉnh thành triển khai rầm rộ. Nếu không làm công nghệ thông tin thì Sở BCVT gần như không có việc gì để làm và sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng tôi quyết định phải “chiến đấu” để giành lấy nhiệm vụ này.
Sở nghiên cứu rất kỹ, lập luận chặt chẽ trong báo cáo gửi UBND TP kiến nghị chuyển giao nhiệm vụ tin học hóa từ Văn phòng Ủy ban về cho Sở. Cuộc họp đầu tiên và những cuộc họp sau đó rất căng thẳng. Sở quyết liệt, Văn phòng Ủy ban cũng quyết liệt không kém.
Đến bây giờ tôi vẫn thấy cần phải cám ơn quyết định rất đúng nhưng rất khó khăn của Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khi đó là chuyển nhiệm vụ tin học hóa cơ quan nhà nước về cho Sở BCVT. Lúc đó chỉ có duy nhất TP HCM có quyết định dũng cảm như vậy.
Năm 2005, Sở đã triển khai thành công ứng dụng công nghệ thông tin, giải ngân trên 30 tỷ đồng, một con số kỷ lục lúc đó. Thành quả trong ứng dụng công nghệ thông tin sau này có bước khởi đầu đầy khó khăn như thế.
Con đường chưa có dấu chân
Có lần trong tổng kết cuối năm của Bộ Bưu chính - Viễn thông tôi đã phát biểu: các Sở BCVT đang rơi tự do, Bộ không hướng dẫn, UBND các tỉnh thành không chỉ đạo. Không có con đường nào được vạch sẵn, không ai chỉ đạo, không người hướng dẫn nhưng với sự sáng tạo, đam mê, quyết đoán và quyết tâm, Sở đã tự mình vạch ra lối đi mới đầy táo bạo.
Sở đã đưa ra khái niệm và xây dựng Một cửa điện tử đầu tiên của cả nước. TP HCM cũng là cơ quan nhà nước đầu tiên thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin: thuê hạ tầng viễn thông cho mạng MetroNet, thuê hạ tầng công nghệ thông tin của Công viên phần mềm Quang Trung.
Ý tưởng xây dựng chuỗi công viên phần mềm cũng xuất phát từ Sở và nay đã trở thành hiện thực.
Năm 2006, Sở BCVT đã phát hiện ra kinh doanh trò chơi trực tuyến cần phải được cấp phép. Năm 2010 Sở đơn độc trong loại bỏ trò chơi bạo lực trên địa bàn TP HCM. Sở cũng bị bao vây tứ bề khi đấu tranh với kinh doanh trái phép dịch vụ viễn thông của công ty Một kết nối.
Công viên phần mềm Quang Trung đứng trong đội hình của Sở cũng gần 10 năm. Mặc dù thành công nhưng Công viên phần mềm cũng từng gánh chịu chỉ trích.
Trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Công viên phần mềm Quang Trung tôi đã phát biểu: Nếu 40 ha này chúng ta xây một khu đô thị thì có lẽ chỉ vài ngàn, vài chục ngàn người trong nước biết đến. Nhưng khi chúng ta làm phần mềm thì khu đất này có thương hiệu quốc tế và mọi người biết VN có công nghiệp phần mềm.
Khốc liệt và đơn độc. Đó là thực tế vừa qua và ngành công nghệ thông tin của thành phố sẽ còn tiếp tục đơn độc trên con đường của mình, con đường dẫn đến thành công.
Tự hào Đường sách
Sở BCVT thuần về kỹ thuật khô khan đã trở nên mềm mại hơn khi tiếp nhận bộ phận báo chí - xuất bản và chuyển thành Sở Thông tin - Truyền thông. Ra vào Sở ngoài mấy ông chuyên gia công nghệ thông tin ngơ ngác đã có thêm các chị phụ nữ xinh đẹp đến biếu báo Tết, lịch năm mới.
|
“Đường sách Ước mơ” đường sách đầu tiên và đang là duy nhất của VN |
Sở đã bận rộn hơn nhiều do công tác quản lý báo chí. Lễ hội Đường sách đầu tiên đã trở thành một kỷ niệm đẹp, thành niềm tự hào vô bờ bến vì đã mang đến cho thành phố nét đẹp văn hóa mới. Tôi đã vui sướng đến nghẹn thở khi được báo tin những kệ sách đầu tiên được chở ra đường Mạc Thị Bưởi cho Đường sách Ước mơ, đường sách đầu tiên và đang là duy nhất của VN.
Sở đã “phát minh” ra Đường sách. Nhưng rất quan trọng là Ủy ban, trực tiếp là Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài đã ủng hộ và cho phép tổ chức Đường sách Ước mơ.
Trong những năm qua, ánh đèn trong các phòng làm việc của Sở thường sáng đến 8, 9 giờ tối. Khi làm giám đốc tôi luôn muốn là người cuối cùng trong ngày rời sở về nhà nhưng rất nhiều lần tôi không làm được điều đó.
Có người nói với tôi: "Lính của anh điên quá, nó nói không cần tiền mà chỉ cần làm công việc đam mê".
Trong sáng và đam mê công việc đã làm nên bản sắc của chúng ta. Ngọn lửa đam mê đã được truyền của 10 năm. Tôi ước mong các bạn luôn giữ được ngọn lửa này. Tôi rất nhớ và rất biết ơn các anh chị đã cùng tôi đi trên chặng đường 10 năm.
Theo Vietnamnet.vn