Viettel tham gia sản xuất các thiết bị liên lạc trong quân sự .
Ông Tống Viết Trung cho biết, Viettel đang có một mạng lưới viễn thông mạnh nhất Việt Nam và đây sẽ trở thành nền tảng cho các ứng dụng CNTT và là cơ hội để phát triển ngành này. Với sự gia tăng viễn thông như hiện nay thì đây mới là sự bắt đầu cho quá trình bùng nổ ứng dụng CNTT ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Hầu hết các doanh nghiệp viễn thông bây giờ mới bắt đầu chuyển hướng chuẩn bị cho sự chuyển dịch về CNTT. Ở thời điểm hiện nay, Viettel gia nhập lĩnh vực CNTT không phải là muộn và đã có những chủ trương mạnh mẽ trong việc chuyển dịch tiếp cận xu thế này.
“Hiện nay, các doanh nghiệp CNTT khác đang kinh doanh theo dự án, nghĩa là khi tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu về ứng dụng CNTT thì lập ra dự án đầu tư, xin phê duyệt ngân sách, mua thiết bị phần cứng, phần mềm, lắp đặt và tự vận hành khai thác. Phương thức này đa phần chậm, khó trong việc nâng cấp, ứng dụng rời rạc nên không phát huy được hiệu quả. Viettel sẽ tiếp cận theo cách hoàn toàn khác. Viettel đứng ra đầu tư về nền tảng hạ tầng, các phần mềm ứng dụng và cung cấp cho khách hàng dưới dạng dịch vụ, nhờ đó khách hàng có thể tiếp cận đến dịch vụ nhanh hơn, giảm chi phí về đầu tư ban đầu, không phải lo duy trì hạ tầng hay những yêu cầu nâng cấp trong tương lai. Cách tiếp cận này sẽ tạo nên sự bùng nổ về nhu cầu, phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu tăng trưởng mới của Tập đoàn. Nói cách khác, Viettel mở đầu cho một hướng đi mới là cho thuê trọn gói dịch vụ CNTT”, ông Tống Viết Trung nói.
Ông Tống Viết Trung cho biết, Viettel phát triển phần mềm trong nội tại để phục vụ những nhu cầu sản xuất kinh doanh viễn thông. Viettel có các nhóm phát triển phần mềm nắm rất chắc nhu cầu của người sử dụng. Kinh nghiệm của Viettel cho thấy, người làm phần mềm và người sử dụng phần mềm cùng một đội, sát cánh bên nhau, hiểu rõ nhau để sáng tạo nhanh. Từ bài học đó, người làm CNTT phải luôn đặt mình nằm trong “nỗi đau” của người sử dụng thì mới có thể bán được hàng. Viettel xây dựng sản phẩm tốt nhất cho thị trường chứ không phải gia công cung cấp sản phẩm cho người khác.
Sau 3 năm Viettel chính thức tuyên bố tham gia vào “sân chơi” CNTT, cho đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu. Viettel có một số dự án tạo được uy tín trên thị trường, các ứng dụng nội bộ doanh nghiệp hay các sản phẩm giá trị gia tăng mang màu sắc của thiết bị mạng lưới. Những điều này tạo nên một nền tảng cho Viettel phát triển kinh doanh ở thị trường nước ngoài. Dự kiến, tới năm 2015, Viettel sẽ có sản phẩm CNTT bán ra nước ngoài và tiến tới quy mô lớn hơn vào năm 2016.
“Tôi tin tưởng rằng trong khoảng thời gian ngắn, tỷ trọng về CNTT ở Viettel sẽ lớn dần lên, có thể chiếm tới 50% doanh thu toàn Tập đoàn. Viettel đang đặt mục tiêu đưa các sản phẩm CNTT của tập đoàn vươn ra thế giới, trở thành một trong các đơn vị cung cấp sản phẩm CNTT tầm cỡ thế giới”, ông Tống Viết Trung nói.
Theo Ictnews.vn