Lê Quang Bình hiện là quản lý thiết kế phần mềm của Tập đoàn Sandisk, Silicon Valley. Có lẽ đó cũng chưa phải là chặng dừng cuối cùng của anh trong ngành nghề. Cũng như con số 56 bằng sáng chế ở tuổi 41, thực hiện trong chỉ 13 năm kể từ khi anh chính thức bước chân vào thế giới phần mềm. Tài năng của anh được ghi nhận qua sự thăng tiến nhanh chóng trong Tập đoàn sản xuất thiết bị vi mô cải tiến Advanced Micro Devices (AMD) của Mỹ: kỹ sư thiết kế, kỹ sư thiết kế cao cấp, trưởng nhóm thiết kế...
Tốt nghiệp loại xuất sắc (trong 7% cao nhất trường) của ĐH Berkeley - một trường nổi tiếng của Mỹ về điện tử, tin học, cộng với điểm cao kỳ thi GRE (Graduate Record Examination), chàng sinh viên gốc Việt Lê Quang Bình vượt tiêu chuẩn vào ĐH danh tiếng Stanford.
Anh tiếp tục con đường nghiên cứu về máy tính, ngành học anh mê từ lúc còn là SV khoa vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (Quang Bình rời VN sang Mỹ năm 1990).
Anh lấy bằng cao học tại ĐH Stanford năm 1999 với điểm xuất sắc, rồi lại vượt qua một kỳ thi gay go để được GS Robert W. Dutton hướng dẫn thực hiện luận án tiến sĩ. Nội dung của luận án là phát minh phương pháp mới về cảm ứng cho bộ nhớ flash (flash memory), hiện được dùng phổ biến trong điện thoại di động và máy ảnh kỹ thuật số. Phát minh này đã được tạp chí khoa học IEEE (Mỹ) đánh giá cao và Tập đoàn AMD ứng dụng ngay vào thực tế.
Quang Bình phát minh như một sự phát tiết tinh anh của thời điểm chín muồi. Anh kể: "Khi ý tưởng đến thì có thể có đến 3-6 phát minh một lúc”. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi anh còn là con người của những giải thưởng: giải thưởng cho người có nhiều công trình, giải thưởng cho người có nhiều bằng sáng chế của Tập đoàn AMD. Anh đúc kết về "điều kiện cần" để có được thành công: sự đam mê, cần cù học hỏi, sự cầu tiến và luôn luôn hướng về phía trước.
Một con số đáng ngạc nhiên lấy từ nguồn Văn phòng Sáng chế và thị trường thương mại Mỹ (www.uspto.gov): số bằng sáng chế của người VN ở Mỹ trong các năm từ 1976-2003 là 153.717, trung bình mỗi năm có 5.693 bằng. |
Dường như những yếu tố ấy đã thấm vào máu thịt anh. Người đàn ông có gương mặt cương nghị này nói về chuyện phát minh đơn giản như "lấy đồ trong túi" và không hề phóng đại chút nào: "Khi chạm trán những vấn đề hóc búa thì sinh ra sáng kiến". Cách đây sáu năm, anh và nhóm của mình chế tạo Memory chip với hàng chục triệu vi mạch trong đó.
Để lập chương trình này phải dùng đến dòng điện 5V-25V và như thế không thể kiểm tra bằng tay. Một người Mỹ được cử ra viết một phần mềm. Phần mềm chạy trong hai ngày vẫn chưa xong. Quang Bình viết phần mềm khác. Trong vòng hai tuần lễ liên tục anh làm việc 18-20 giờ mỗi ngày. Sau khi hoàn thành, chỉ cần 30 phút là kiểm tra xong toàn bộ con chip.
Trong chuỗi ngày bận rộn của mình, anh vẫn dành thời gian ăn những bữa cơm VN với gia đình trong ngôi nhà ở San Jose. “Ngày nào mình, bà xã (người bạn cùng lớp thời ĐH) và ba đứa con cũng ăn những món ăn VN. Vợ mình nấu bún bò Huế, phở và bún riêu ngon lắm đấy”- anh khoe. Chính mái ấm gia đình kiểu Việt đã góp phần duy trì sức sáng tạo mạnh mẽ trong con người anh. Mỗi người đàn ông muốn thành đạt phải có hậu phương vững chắc là vậy.
Theo Tuổi trẻ