Chiều 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với 366/430 tán thành, chiếm tỷ lệ 73,64%. Qua đó mặt hàng game online không thuộc diện đánh thuế TTĐB.
Liên quan đến đối tượng chịu thuế, có ý kiến đề nghị bổ sung trò chơi trực tuyến (game online) vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, các sản phẩm trò chơi điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trước khi cấp phép được các cơ quan chức năng kiểm soát, thẩm định về nội dung, đảm bảo phù hợp với văn hóa dân tộc và thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Hiện nay, trò chơi trực tuyến chứa nội dung có tác động xấu cho xã hội chủ yếu từ khu vực bên ngoài xâm nhập không kiểm duyệt được. Theo đó, cũng khó thu được thuế TTĐB đối với loại trò chơi này. Do vậy, nếu áp dụng thuế TTĐB chỉ đánh vào trò chơi điện tử của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, không góp phần hạn chế được các trò chơi trực tuyến xâm nhập từ bên ngoài, dẫn tới giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Hiển, từ những lý do trên, UBTVQH đề nghị chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Đồng thời, giao Chính phủ tăng cường quản lý nhà nước, nhất là đối với các loại hình trò chơi, nhà phân phối và người chơi để ngăn chặn game online có hại, game online từ khu vực bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung mặt hàng kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin vào đối tượng chịu thuế để bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh đặt cược khác.
Trong thời gian vừa qua, UBTVQH đã cho ý kiến để Chính phủ ban hành Nghị định kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Theo đó, hình thức kinh doanh đặt cược được phép chỉ gồm 03 loại hình nêu trên.
Các hoạt động kinh doanh nhắn tin bình chọn, nhắn tin trúng thưởng mang tính chất đặt cược không được phép hoạt động. Đối với những tin nhắn bình chọn mang tính chất giải trí (bình chọn kết quả một sự kiện) được phép theo quy định thì không thu thuế TTĐB. Do vậy, UBTVQH đề nghị không bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Về đề nghị bổ sung nước ngọt có ga vào đối tượng chịu thuế TTĐB, UBTVQH cho rằng, việc bổ sung nước ngọt có ga vào đối tượng chịu thuế TTĐB đã được Cơ quan soạn thảo đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với đề xuất thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này.
Thực tế hiện nay cho thấy, trên thế giới không có nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định tác hại của loại đồ uống này đến sức khỏe con người và chưa có nghiên cứu chính thức tại Việt Nam đề cập tác động của mặt hàng này đến người tiêu dùng. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội chưa bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định rượu từ 20 độ trở lên áp dụng thuế suất 70% (thay vì 65% theo đề xuất của Chính phủ) và rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 40% (thay vì 35% theo đề xuất của Chính phủ). Một số ý kiến còn đề nghị tăng thuế suất đối với bia lên 70% (thay vì 65% như đề xuất của Chính phủ).
Về việc này, theo báo cáo của Chính phủ, việc tăng thuế suất thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia như Dự thảo luật sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Từ năm 2010, việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với bia chai từ 75% xuống 45% - 50% là nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất bia địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu ngân sách địa phương. Để đảm bảo thực hiện chính sách nhất quán, ổn định sản xuất trong nước, cần thiết phải có lộ trình và mức tăng thuế suất hợp lý.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ mức tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia như phương án Chính phủ trình; điều chỉnh lộ trình thực hiện đối với bia bắt đầu từ ngày 01/01/2016 và bổ sung lộ trình thực hiện đối với rượu, cụ thể:
Đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 01/01/2016, 60% từ ngày 01/01/2017 và 65% từ ngày 01/01/2018. Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ ngày 01/01/2016 và 35% từ ngày 01/01/2018...
Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị cần quy định mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu dưới 20 độ như mức thuế suất thuế TTĐB đối với bia vì quy định bia chịu thuế suất cao hơn sẽ khuyến khích sử dụng rượu dưới 20 độ.
Theo UBTVQH, rượu dưới 20 độ chủ yếu là rượu vang, rượu sâm - panh có giá bán cao hơn bia khi có cùng một khối lượng như nhau. Thực tế hàng năm, bia được tiêu thụ gấp nhiều lần rượu (3 tỷ lít bia so với hơn 68 triệu lít rượu các loại). Để bảo đảm mục tiêu hạn chế sử dụng, UBTVQH đề nghị không nên áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với bia theo độ cồn như đối với rượu./.