Đây là 1 trong 7 nhiệm vụ vừa được Bộ TT&TT phân công các đơn vị để triển khai “Kế hoạch hành động Phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa (CNH) của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
Quyết định 1739/QĐ-BTTTT về phân công nhiệm vụ triển khai “Kế hoạch hành động Phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược CNH của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son ký ngày 21/11/2014.
Theo Quyết định, Vụ CNTT được giao chủ trì triển khai 5 nhiệm vụ gồm: Điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nhân lực cho công nghiệp điện tử, nhu cầu lao động của ngành, đánh giá năng lực của các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong lĩnh vực này và công bố (năm 2015); Dự án hỗ trợ sinh viên và nhân lực công nghiệp điện tử nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn đạt các các chứng chỉ đánh giá kỹ năng nghề quốc tế (giai đoạn 2015-2020); Điều tra khảo sát, đánh giá nhu cầu và tiềm năng thị trường một số sản phẩm chuyên dùng tại Việt Nam (2015-2017); Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cơ quan nhà nước sử dụng các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước (2015-2020); Dự án hỗ trợ DN điện tử xây dựng quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng đạt các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động sản xuất công nghiệp điện tử (2015-2020).
Với nhiệm vụ xây dựng chương trình thu hút chuyên gia cao cấp và hỗ trợ khởi nghiệp cho lưu học sinh sau khi về nước, các kỹ sư mới ra trường trong ngành công nghiệp điện tử, Bộ TT&TT giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp cùng các Vụ CNTT và Quản lý DN thực hiện trong giai đoạn 2015-2020.
Cũng từ 2015 đến 2020, Vụ Khoa học Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), các Vụ CNTT, Quản lý DN và Kế hoạch Tài chính cùng các tập đoàn VT-CNTT thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm một số thiết bị mạng IPv6.
|
Đến nay, công nghiệp điện tử Việt Nam đã sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp CNTT lớn của người ngoài như Intel, Samsung, Canon, Electronic, Nokia... (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
|
Chiến lược CNH của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/7/2013. Tiếp đó, ngày 1/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động Phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược CNH của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là đến năm 2020 phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam với công nghệ tiên tiến, năng suất lao động cao, có khả năng cạnh trạnh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng góp lớn cho kinh tế quốc dân, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sản xuất được những sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Tầm nhìn đến năm 2030 xây dựng Việt Nam trở thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường.
Cũng theo Kế hoạch này, trong giai đoạn 2015 - 2020, Bộ TT&TT được giao chủ trì, tham gia thực hiện 6/7 đề án, nhiệm vụ cụ thể: Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử; Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử; Phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử; Thu hút đầu tư các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới; Phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử; Điều phối, giám sát thực hiện Kế hoạch hành động.
Theo Ictnews.vn