Nội dung Sách Trắng hàng năm luôn được cập nhật, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và cập nhật thông tin.
Sách Trắng CNTT-TT năm 2014 có kết cấu 175 trang, song ngữ Việt - Anh với 14 phần: Tổng quan về hiện trạng CNTT-TT năm 2013, Hệ thống các cơ quan chỉ đạo, quản lý về CNTT-TT, Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; Công nghiệp CNTT; An toàn thông tin; Viễn thông, Internet; Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử; Bưu chính; Nghiên cứu và đào tạo ngành CNTT-TT; Các văn bản quy phạm pháp luật; Hợp tác quốc tế; Các sự kiện CNTT-TT tiêu biểu hàng năm tại Việt Nam; Các cơ quan, tổ chức về CNTT; Một số tổ chức doanh nghiệp (DN) CNTT-TT tiêu biểu.
Điểm mới của Sách trắng 2014 được cập nhật thêm: Cấu trúc theo các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT song vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế; Cơ cấu xuất nhập khẩu phần cứng, điện tử; Thông tin, số liệu về phát thanh truyền hình: như kênh phát thanh, kênh quảng bá, số đơn vị truyền dẫn phát sóng...; Số liệu về thông tin điện tử như: trang thông tin điện tử, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến; Thông tin và số liệu thống kê lĩnh vực nghiên cứu phát triển: số đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ về ngành CNTT-TT và danh sách DN đạt chứng chỉ CMMi mức 3 trở lên tại Việt Nam.
Tiếp theo đây là một số tóm tắt nội dung Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam 2014:
Xếp hạng ngành CNTT-TT Việt Nam
Xếp hạng chung về CNTT-TT: Việt Nam xếp vị trí 88/157 quốc gia, xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á và 14 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (2013) về Chỉ số phát triển CNTT-TT (IDI), xếp thứ 84/148 quốc gia (2013) về chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI), đặc biệt giá cước viễn thông, Internet của Việt Nam xếp hạng 8/148, gần như thấp nhất thế giới.
Xếp hạng về công nghiệp CNTT: Việt Nam nằm trong Top 10 nước châu Á - Thái Bình Dương và top 30 thế giới về gia công phần mềm theo báo cáo của Tập đoàn Gartner (2014). TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục nằm trong top 100 thành phố hẫn dẫn về gia công phần mềm, trong đó, TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 17 và Hà Nội xếp thứ 22 (2014).
Xếp hạng về Chính phủ điện tử: Việt Nam xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á với 99/193 quốc gia (2014). Trong đó, yếu tố nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá cao.
Xếp hạng về nguồn nhân lực: Việt Nam xếp thứ 101/155 quốc gia (2013) giữ nguyên so với năm 2012, Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao bởi chất lượng đào tạo các môn Toán và các môn khoa học.
Xếp hạng về phát triển Internet: Việt Nam được xếp Top 10 nước châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất, thứ 3 Đông Nam Á, thứ 7 châu Á và 18 thế giới về số người dùng Internet.
Tình hình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước
Theo các số liệu thống kê, 86,72% máy tính trong cơ quan Bộ và 89,70% máy tính trong cơ quan tỉnh/thành phố được kết nối Internet; 30/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63/63 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trang/cổng thông tin điện tử; 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ và có đơn vị chuyên trách về CNTT. Dịch vụ công tăng trưởng về cả số lượng và số địa phương triển khai với dịch vụ công mức độ 1,2 chiếm đa số với gần 102.000 dịch vụ năm 2013. Số lượng dịch vụ công mức độ 3 năm 2013 là 2.366 (tăng hơn 700 dịch vụ so với 2012) và số lượng dịch vụ công mức độ 4 năm 2013 là 111 (tăng gần gấp đôi so với 2012).
Về nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước, Sách Trắng 2014 thống kê có 58,24% các đơn vị trực thuộc có cán bộ chuyên trách CNTT với số cán bộ chuyên trách trung bình là 7 cán bộ/đơn vị tại tại Bộ, cơ quan ngang Bộ; 86,8% các đơn vị trực thuộc sở, ngành và 88,2% các đơn vị trực thuộc quận huyện có cán bộ chuyên trách CNTT với tỷ lệ cán bộ chuyên trách trung bình đạt 2,31 và 2,12 trên 1 đơn vị tại tỉnh, thành phố.
Công nghiệp CNTT
Tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2013 đạt trên 39,5 tỷ USD, tăng ngoạn mục 55,3% so với năm 2012. Sự tăng trưởng cao này tiếp tục do sự duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử với doanh thu trên 36,7 tỷ USD tăng trưởng 59,7% và chiếm tới 93% tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT. Công nghiệp phần mềm và nội dung số cũng tăng trưởng tương ứng là 12,7% và 13,9 % tuy vậy mức tăng trưởng là vẫn cao hơn rất nhiều so với năm 2012.
Xuất khẩu sản phẩm CNTT 2013 đạt 34,76 tỷ USD tăng trên 51,7% so với năm 2012 trong đó xuất khẩu điện thoại chiếm gần 63%, và đặc biệt tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn nhập khẩu gần 8,4 tỷ USD. Năm 2013, tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt trên 440.000 lao động trong đó lao động lĩnh vực phần cứng chiếm 65%.
Cả nước có 8 khu CNTT tập trung với tổng quỹ đất gần 800.000 km2 thu hút gần 300 DN hoạt động và 46.000 lao động CNTT.
An toàn thông tin
Trong năm 2013, quản lý an toàn thông tin đã được tăng cường với 73,8% đơn vị có cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin. Tuy nhiên, tỷ lệ trung bình áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin còn thấp 24,4% và chỉ có 21,7% đơn vị là có ban hành thao tác xử lý sự cố máy tính.
Các nhóm thiết bị, phần mềm, giải pháp bảo vệ hệ thống đơn giản vẫn là lựa chọn chủ yếu đảm bảo an toàn thông tin. Riêng về sử dụng phần mềm diệt virus tại Việt Nam, Kaspersky thu hút 47,6% người dùng, đứng sau là BKAV với 32,6%.
Viễn thông, Internet
Năm 2013, lĩnh vực viễn thông, Internet Việt Nam có nhiều thay đổi do ban hành chính sách thắt chặt quản lý giá cước và thuê bao di động trả trước và sự bùng nổ của dịch vụ OTT. Số lượng thuê bao di động chỉ đạt 123,7 triệu thuê bao, giảm hơn 8 triệu thuê bao so với năm 2013 tương ứng với giảm 6%. Viettel vẫn chiếm thị phần cao nhất (43,48%) và giảm nhẹ so với năm 2012 (44,05%), theo sau là Mobifone 31,78% và VinaPhone 17,45% với chênh lệch khá cách biệt. Trong đó, số thuê bao 3G đã cán mốc 19,7 triệu thuê bao, tăng gần 4 triệu thuê bao tương ứng với 25,4%. Viettel cũng chiếm số thuê bao 3G cao nhất với 41,76% thị phần, theo sau là Mobifone với 33,56% và VinaPhone với 22,52%.
|
Thị phần thuê bao (dịch vụ) di động |
|
Tổng doanh thu Viễn thông 2009 - 2013 |
|
Doanh thu dịch vụ di động 2009 - 2013 |
Số thuê bao cố định tiếp tục giảm đạt trên 6,7 triệu thuê bao. VNPT vẫn chiếm thị phần áp đảo với 76,5% tăng nhẹ so với năm 2012 (75,9%) sau đó đến Viettel xếp thứ 2 với 21,51% giảm nhẹ so với năm 2012 (22,96%). Tuy nhiên, thuê bao Internet băng rộng cố định đạt gần 22,4 triệu thuê bao, tăng 11,3% nâng tổng số thuê bao Internet/100 dân đạt 22,93.
Năm 2013, Việt Nam có gần 33,2 triệu người sử dụng Internet nâng số người sử dụng Internet/100 dân đạt 37 người.
Trong khi đó, tổng băng thông kết nối Internet quốc tế đạt trên 640.000 Mb/s tăng tới gần 83% so với năm 2012.
Nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet vẫn là VNPT chiếm thị phần 51,27%.Trong khi đó, xét về số thuê bao 3G truy nhập Internet đang có sự bám đuổi rất sát giữa VNPT và Viettel với phần nhỉnh hơn thuộc VNPT (gồm Mobifone và VinaPhone) với tỷ lệ tương ứng là 49,79% và 47,75%.
Trong năm 2013, với hơn 100.000 tên miền đăng ký mới và số lượng duy trì sử dụng là 266.000 tên miền, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” tiếp tục giữ vị trí số 1 Đông Nam Á về số lượng sử dụng tên miền cấp cao mã quốc gia, tăng trưởng trung bình 172%/năm.
Thị trường Viễn thông, Internet
Năm 2013, tổng doanh thu dịch vụ di động chỉ đạt trên 5 tỷ USD giảm 21,3% kéo theo tổng doanh thu viễn thông năm 2013 chỉ đạt 7,4 tỷ USD giảm gần 26% so với năm 2012. Trong khi đó, doanh thu dịch vụ cố định đạt gần 452 triệu USD tăng 14,6% và đặc biệt doanh thu dịch vụ Internet tăng trưởng ấn tượng gấp đôi so với năm 2012 đạt 965,5 triệu USD.
Trong giai đoạn 2013 - 2014, thị trường viễn thông có sự biến động nhỏ về số lượng nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet đang hoạt động, cụ thể: đã có 11 nhà thiết lập mạng viễn thông công cộng(tăng 2), 6 nhà cung cấp dịch vụ di động (không đổi) và 38 nhà cung cấp dịch vụ Internet (giảm 19).
Phát thanh Truyền hình
Theo số liệu Sách Trắng 2014 thống kê, thuê bao truyền hình trả tiền đạt gần 6,7 triệu giảm gần 2,4 triệu thuê bao, do VTC mở khóa mã cho các thuê bao để chuyển sang hình thức truyền hình quảng bá. Về kênh phát thanh, truyền hình, cả nước có 104 kênh truyền hình quảng bá, 75 kênh phát thanh quảng bá, 40 kênh truyền hình trả tiền.
Tổng doanh thu phát thanh truyền hình đạt 276,4 triệu USD tăng 38%.
Về thị trường truyền hình cáp, SCTV vẫn dẫn đầu thị phần với 34,2% trong khi về thị trường truyền hình số vệ tinh, VSTV (K+) vẫn chiếm áp đảo thị phần thuê bao với 59,48% còn lại AVG và VTC cùng chiếm 20,26% thị phần.
Thông tin điện tử
Năm 2013 đã có 1.091 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoạt động trong đó có 215 trang thông tin điện tử của báo chí và đã có 420 mạng xã hội được cấp phép, tăng 67 so với năm 2012.
Về trò chơi trực tuyến, năm 2013, cả nước có 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến và 82 trò chơi trực tuyến được phê duyệt kịch bản.
Bưu chính
Tính đến tháng 12/2013, cả nước có 82 DN chính thức được cấp giấy phép (tăng 19 DN) và 83 DN xác nhận thông báo hoạt động (tăng 27 DN). Năm 2013, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt trên 316,5 triệu USD tăng 15,6% so với năm 2012.
Về thị phần cung cấp dịch vụ bưu chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vẫn là nhà cung cấp chiếm thị phần lớn nhất với 35,88% tiếp theo là liên doanh DHL-VNPT với 14,48%. Hai nhà cung cấp này tiếp tục bị sụt giảm thị phần doanh thu so với năm 2012.
Nghiên cứu phát triển ngành CNTT-TT
Tính từ năm 1995 đến năm 2013, đã có tổng số 568 đề tài khoa học cấp Nhà nước và 788 đề tài khoa học cấp Bộ trong các lĩnh vực CNTT-TT được triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn nên số lượng đề tài theo năm cũng giảm dần.
Nguồn nhân lực CNTT
Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT với 290 trường đại học và cao đẳng có đào tạo về CNTT, viễn thông (không tăng từ năm 2011).
Đối với đào tạo Đại học, Cao đẳng, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh CNTT-TT là trên 67.500 sinh viên (tăng gần 3.000 chỉ tiêu so với năm 2012) chiếm gần 8% tổng chỉ tiêu tuyển sinh (do các ngành khác tăng chỉ tiêu tuyển sinh). Tuy nhiên, chỉ 55.000 sinh viên thực tế được tuyển, đạt 82%.
Đối với đào tạo nghề, cả nước có 228 trường đào tạo về CNTT, viễn thông (tăng gấp đôi so với 2012) với số học viên nhập học là trên 24.500 và tỷ lệ nhập học cũng chỉ đạt 81%./.
Theo Ictpress.vn