Hội nghị toàn quyền là sự kiện lớn và quan trọng nhất của ITU, được tổ chức 4 năm một lần. Hội nghị toàn quyền năm 2014 được tổ chức tại Busan, Hàn Quốc từ ngày 20/10 đến 10/11/2014. Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đã tham gia bỏ phiếu bầu ra các vị trí điều hành tổ chức ITU, trong đó có Ủy ban thể lệ thông tin vô tuyến (sau đây gọi tắt là “Ủy ban vô tuyến”).
Ủy ban vô tuyến là cơ quan quyền lực cao nhất về lĩnh vực thông tin vô tuyến của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), quyết định và hướng dẫn thực thi Thể lệ thông tin vô tuyến điện - được xem là Bộ luật quốc tế trong lĩnh vực vô tuyến điện. Đặc biệt, Ủy ban vô tuyến là cơ quan xử lý các vấn đề tranh chấp về quyền sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh giữa các nước- đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền quốc gia.
Có thể nói, 12 thành viên của Ủy ban vô tuyến có vị trí vô cùng quan trọng trong việc hoạch định chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu về lĩnh vực vô tuyến. Vì vậy, 12 vị trí này đã dành được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới và được bầu 4 năm 1 lần. Ông Đoàn Quang Hoan – Cục trưởng Cục tần số vô tuyến điện đã được Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu tham gia ứng cử vào vị trí thành viên của Ủy ban vô tuyến. Việt Nam nằm trong khu vực châu Á và châu Úc- khu vực có tính cạnh tranh cao nhất thế giới với số lượng 53 quốc gia thành viên và theo quy định chỉ được phân bổ 03 ghế trong Ủy ban này.
Sau hơn một năm tích cực vận động tranh cử của Bộ Thông tin và Truyền thông tại các diễn đàn lớn trên thế giới, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các đơn vị hữu quan, ứng viên của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các ứng viên khác trong khu vực và cùng với đại diện của Nhật Bản và Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất trở thành thành viên Ủy ban vô tuyến nhiệm kỳ 2015 – 2018.
Đoàn Việt Nam tại Hội nghị toàn quyền năm 2014 tại Busan, Hàn Quốc
Việc trúng cử vào thành viên Ủy ban Thể lệ Thông tin vô tuyến có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên chính trường thế giới và tăng cường tham gia vào các vị trí điều hành trong tổ chức quốc tế, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc tăng cường hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, vị trí này cũng góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đảm bảo quyền và lợi ích của Việt Nam về tần số và quỹ đạo vệ tinh.
Theo Ictnews.vn