Trưa 17/9/2014, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom vừa chia sẻ với ICTnews lịch dự kiến sửa chữa cáp quang biển quốc tế AAG của đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way). Cụ thể, việc sửa chữa sẽ được bắt đầu từ ngày 29/9/2014. Đoạn cáp đứt sẽ được hàn xong và chôn xuống biển vào ngày 4/10. Đến ngày 6/10 sẽ hoàn tất việc sửa chữa, khắc phục sự cố đứt cáp AAG.
"Tuy nhiên, thời tiết hiện khá phức tạp, cần phải liên tục theo dõi. Những biến động về thời tiết ảnh hưởng lớn đến tiến độ của việc sửa chữa cáp biển AAG", ông Nguyễn Văn Khoa lưu ý thêm.
Với lịch dự kiến nêu trên, trong khoảng 18 ngày nữa, người dùng dịch vụ Internet quốc tế tại Việt Nam có thể vẫn phải đối mặt với hiện tượng tốc độ truy cập mạng Internet quá chậm.
|
Sua chua cap AAG.jpg
|
Như ICTnews đã đưa tin, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG lại bị đứt lúc 0 giờ sáng qua, 16/9/2014, ở phân đoạn phía Hồng Kông. Đây là lần thứ 2 trong năm nay tuyến cáp quang biển này bị đứt và làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet Việt Nam kết nối đi quốc tế của các nhà cung cấp như VNPT, Viettel, FPT, SPT...
Sự cố trước đó đã xảy ra ngày 15/7/2014, cáp AAG đã bị đứt tại vị trí cách bờ biển Vũng Tàu 18km, gây gián đoạn việc cung cấp dịch vụ của các nhà khai thác viễn thông trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Theo dự kiến ban đầu, phải đến ngày 1/8/2014, hoạt động sửa chữa cáp mới được hoàn tất. Nhưng trên thực tế, tiến độ sửa chữa đã được đẩy nhanh hơn dự kiến. Đến tối ngày 27/7/2014, toàn bộ lưu lượng Internet quốc tế trên cáp AAG trở lại bình thường, không còn cảnh chậm truy cập Internet khi dùng các dịch vụ quốc tế như web, email… tại Việt Nam.
Cả 2 đợt sự cố đứt cáp AAG trong năm 2014 này đều gây sụt giảm khoảng 40% dung lượng băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ của tất cả các nhà mạng tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp.
Ngay sau khi sự cố đứt cáp AAG sáng 16/9/2014 được công bố, các nhà cung cấp dịch vụ đều đã tích cực triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Chẳng hạn như mở thêm các tuyến cáp quang biển khác để dồn lưu lượng vào các tuyến cáp quang biển này, hoặc mở thêm lưu lượng qua hướng đất liền bằng cách đàm phán và mua ngắn hạn một lượng lưu lượng nhất định của tuyến cáp trên đất liền. Tuy nhiên, hiện tại, vẫn còn rất nhiều người dùng dịch vụ Internet quốc tế tại Việt Nam than phiền về việc tốc độ truy cập mạng chậm hơn nhiều so với thông thường.
Theo Ictnews.vn