ICTnews tiếp tục phản ánh một số ý kiến của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội CNTT về việc có nên đưa Tin học thành môn học chính hay không.
Ông Nguyễn Thành Bôn, Giám đốc Phát triển Mạng giáo dục Việt Nam, VNPT:
Môn Tin học được hiểu là học về thông tin và công nghệ xử lý thông tin. Người thiết kế chương trình Tin học cho các lớp từ tiểu học trở lên đã sắp xếp nội dung theo trình tự nhất định. Việc có dạy Tin học như một môn học chính thức hay không phải do người thiết kế quyết định chứ không phải cứ đề xuất khơi khơi, chỉ nghe cho vui. Thoạt đầu mới nghe ý tưởng đề xuất đưa Tin học thành môn chính, tôi liên tưởng đến chuyện một ông A nào đấy tổ chức cuộc thi đan rổ học sinh toàn quốc, thấy vui quá bèn đề nghị đưa môn đan rổ vào dạy thành môn chính. Nhưng giờ đây nghĩ sâu xa hơn thì có lẽ đề nghị này là thực sự nghiêm túc và tâm huyết.
Vấn đề mấu chốt ở đây là khi coi Tin học là môn chính thức thì sẽ dạy cái gì. Không phải là dạy Word rồi cho thi gõ nhanh để trẻ con sau này thành công nhân nhập văn bản. Nếu xác định nội dung dạy Tin học là các ứng dụng như Word, Excel, liên tục ra phiên bản cập nhật mới thì rất khó có thể xây dựng được chương trình dạy và học hiệu quả. Còn nếu dạy những kiến thức cơ bản như cách biểu diễn dữ liệu, cơ sở dữ liệu trong máy tính, ngôn ngữ lập trình cấp thấp, cấp cao… thì không ngại vì đây là những kiến thức bất biến và luôn đúng. Nếu tôi là người thiết kế chương trình dạy Tin học thì sẽ theo hướng xây dựng những nội dung có tính nguyên lý bất biến như vậy, tương tự các lý thuyết căn bản về góc, cạnh... trong môn Toán học.
|
Vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên đưa Tin học thành môn chính hay không. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Ông Lý Trần Biên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DODOLA:
Theo tôi có thể thí điểm đưa môn Tin học vào giảng dạy từ lớp mầm non đến cấp tiểu học nhưng chỉ thí điểm ở những cơ sở giáo dục có điều kiện triển khai được về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và phụ huynh học sinh đồng ý. Ngành Tin học liên tục thay đổi công nghệ. Trẻ em học sớm cũng không có tác dụng nhiều. Có thể lớn lên sẽ học sau, rồi đi làm lại học tiếp. Tôi không đồng ý với đề xuất đưa Tin học thành môn học chính vì sẽ lãng phí tiền của xã hội và gia đình khi phải đầu tư vào học môn Tin học như tiền soạn giáo trình, trang bị phòng học, mua sắm máy móc rồi phải lo vận hành bảo dưỡng. Ở thành phố lớn thì có thể thu xếp được, chứ ở nông thôn thì khá khó khăn.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam:
Tôi đồng tình với việc đưa Tin học thành môn chính. Những gì cần cho cuộc sống, cho công việc thì đều phải học. Chúng ta hay nói Tin học, Ngoại ngữ là môn thời thượng. Không ai đổ xô đi học Lịch sử, Địa lý, nhưng vẫn nhiều người đổ xô đi học Tin học. Điều đó chứng tỏ tính cần thiết của Tin học. Một khi đã cần thiết thì phải được dạy và học trong nhà trường, và đương nhiên có thể coi là môn chính được.
Quan điểm cá nhân của tôi là trẻ em cần được học Tin học càng sớm càng tốt. Chỉ có điều phải có những nội dung, chương trình thích hợp với từng lứa tuổi. Tôi đang e ngại rằng có thể khi chấp nhận đưa Tin học thành môn chính, chúng ta sẽ lại lúng túng không biết xây dựng giáo trình cho các lứa tuổi như thế nào, cách giảng dạy ra sao. Nếu cứ giảng chay, nhai từ, làm bài kiểm tra giấy… thì không ổn. Cần phải có phương pháp giảng dạy khoa học, hiệu quả hơn.
Khi đưa Tin học thành môn chính, tất nhiên có một khó khăn là điều kiện về trang thiết bị giảng dạy và học Tin học ở vùng nông thôn, vùng xa luôn thua xa ở thành phố. Tuy nhiên, một khi Tin học đã trở thành một môn chính thì biết đâu sẽ lại buộc mọi người phải cố gắng tìm ra những biện pháp để giảm bớt khó khăn. Ý kiến cho rằng học Tin học hoàn toàn phụ thuộc vào trang thiết bị là chưa thực sự chuẩn xác. Vẫn có thể cho học sinh học những kiến thức lý thuyết cơ bản, sau này nếu có trang thiết bị, phòng máy, thì tăng điều kiện thực hành lên.
Theo Ictnews.vn