Trong năm 2012 khoảng 860.000 học sinh lớp 1 của Thái Lan đã nhận được máy tính bảng. Các em được cầm máy về nhà nhưng nếu hỏng hóc thì gia đình phải chịu trách nhiệm thay thế hoặc sửa chữa.
Trong năm 2013 dự kiến hơn 400.000 máy tính bảng được cấp cho các em nhưng việc này bị đình trệ.
Các ưu điểm mà chính quyền của bà Yingluck đưa ra đối với OTPC là máy tính bảng có thể chứa được nhiều thông tin và kiến thức trong khi nhiều trẻ em ở nước này không đủ tiền mua sách in. Ngoài ra OTPC còn hạn chế được việc tham nhũng trong in sách, sách lậu, sách kém chất lượng.
Chính quyền khi ấy nói thêm rằng máy tính bảng sẽ giúp các em truy cập Internet, chơi các trò chơi tương tác mang tính giáo dục, nâng cao khả năng viết và nghệ thuật trong thời đại kỹ thuật số.
Khởi động từ năm 2011 sau khi bà Yingluck thắng cử, đến đầu năm 2014 OTPC gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, từ vấn đề tham nhũng cho đến những thiết bị chất lượng kém.
Đó là chưa kể các vấn đề mới nảy sinh như nhà sản xuất máy tính bảng ở Trung Quốc đòi hủy hợp đồng sau khi chính họ chậm trễ trong việc giao hàng.
Cụ thể, như Bangkok Post cho biết, Công ty Shenzhen Yitoa Intelligent Control của Trung Quốc, bên thắng thầu trở thành nhà sản xuất máy tính bảng cho OTPC ở Thái, đã đóng cửa hoạt động kinh doanh ở Thái Lan sau khi từ chối trả khoản tiền phạt 67.000 USD/ngày vì giao hàng chậm.
Đại diện công ty này đã gửi đại diện đến hủy hợp đồng với Chính phủ Thái Lan. Chính phủ sau đó đã thu hồi tài sản của công ty này, trị giá khoảng 3,5 triệu USD.
Mô hình bị xóa bỏ
Sau cuộc đảo chính ngày 22-5, chính quyền quân đội ở Thái Lan đã cải tổ mọi mặt trong xã hội nước này. Trong đó các chính sách của chính phủ trước cũng bị điều chỉnh hoặc xóa bỏ.
Hồi tháng 6, chính quyền quân đội tuyên bố hủy bỏ chương trình mua máy tính bảng cho học sinh, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10 tới. Trước mắt, chính quyền quân nhân sẽ hủy việc mua máy tính bảng cho học sinh tiểu học ở miền bắc và đông bắc Thái Lan nhưng tạm thời vẫn cho tiếp tục ở miền trung.
Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ trật tự quốc gia (NCPO) đang điều hành đất nước là đô đốc Narong Pipattanasai hồi tháng 6 nói sau cuộc họp hủy bỏ OTPC rằng học sinh không cần đến máy tính bảng bởi các em chỉ dùng 1-2 giờ một ngày. Hơn nữa, máy tính bảng được coi là tài sản của nhà trường và không thể để các em cầm về nhà.
Đô đốc Narong cũng khẳng định máy tính bảng không phải là công cụ học tập phù hợp mọi lúc mà các em nên học từ giáo viên của mình. Ngoài ra, vì màn hình máy tính bảng nhỏ sẽ khiến các em bị các vấn đề về thị lực lâu dài.
Đó là chưa kể với máy tính bảng giá rẻ, tuổi thọ chỉ khoảng ba năm nên việc sửa chữa, thay thế máy mới không hiệu quả về chi phí.
Chính quyền quân sự nói số tiền 6,97 tỉ baht (khoảng 219 triệu USD) tiết kiệm được từ OTPC sẽ được dùng để hỗ trợ giáo dục bằng nhiều cách khác nhau. Cách gì thì đang được bàn thảo, nhưng trong đó có ý tưởng đáng chú ý và nhận được sự ủng hộ là xây dựng lớp học thông minh của Văn phòng Ủy ban giáo dục cơ bản (OBEC).
Theo ý tưởng về lớp học thông minh này, số tiền kể trên sẽ được đầu tư vào phát triển hệ thống công nghệ thông tin giáo dục và hệ thống mạng không dây trong trường học.
Theo Tuoitre.vn