Cổ phần hóa MobiFone để tạo thị trường minh bạch
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) cho biết: “Thị trường viễn thông của chúng ta cạnh tranh và người dân được nhờ. Thế nhưng, về nguyên tắc mà nói thì một chủ sở hữu không nên tổ chức các đơn vị cạnh tranh trong một chủ sở hữu. Nói nôm na là cạnh tranh của Việt Nam như ông bố cho 3 con ra ở riêng. Thậm chí, 3 đứa con ra ở riêng nếu hoàn toàn tự chủ về tài chính thì khác, bố không can thiệp vào tài sản của con nếu cạnh tranh. Đằng này ông bố của chúng ta lại vẫn can thiệp, vẫn làm chủ khối tài sản, vẫn là chủ sở hữu của cả 3 đứa con, vì vậy thị trường chỉ có doanh nghiệp Nhà nước, 1 chủ sở hữu nên phải nói là chưa hoàn chỉnh, cạnh tranh chưa hoàn chỉnh. Bởi lẽ rằng đùng một cái ra quyết định hành chính cho EVN Telecom nhập vào Viettel. Đấy là quyết định hành chính, không phải là thị trường… Phải nói thẳng ra là nếu thị trường viễn thông có doanh nghiệp không phải của Nhà nước thì rõ ràng trong hoạt động kinh doanh người ta sẽ chú ý hiệu quả hơn nhiều. Còn các doanh nghiệp Nhà nước nhiều khi không chú ý hiệu quả”.
|
Việc cổ phần hóa MobiFone sẽ tạo ra sức ép cho cả VNPT và Viettel.
|
Ông Mai Liêm Trực nhấn mạnh, các doanh nghiệp nhà nước đương nhiên có những yếu tố dẫn đến sự trì trệ và hiệu quả có thể bị hạn chế bởi những điểm yếu cố hữu, đương nhiên của bản thân doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy cho nên thị trường viễn thông Việt Nam muốn có sự cạnh tranh hoàn chỉnh thì chỉ nên có 1 hoặc 2 doanh nghiệp nhà nước, còn lại là doanh nghiệp cổ phần. “Thị trường viễn thông Việt Nam tuy phát triển tốt, nhưng vẫn có những trì trệ nhất định, vẫn có những cái chưa được minh bạch và có những cái chưa được phát huy tối đa. Trong khi đó chúng ta cần phát huy tối đa nguồn lực của xã hội để đầu tư như nguồn lực tài chính lẫn nguồn lực trí tuệ. Cho nên trong quá trình phát triển và trong Luật Viễn thông ghi rõ khuyến khích các thành phần tham gia vào lĩnh vực viễn thông, Internet, nhưng cho đến nay chưa triển khai được bao nhiêu. Thế nhưng, nếu để các công ty vốn ít, năng lực không có mà tham gia vào thị trường thì cũng rất khó cạnh tranh. Cho nên phải là những công ty mạnh, mà muốn có những công ty mạnh tham gia vào thị trường thì cách tốt nhất là cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước hiện có. Cũng chính vì vậy mà từ năm 2006 đã có đề án cổ phần hóa MobiFone, nằm trong đề án tái cơ cấu hoàn thiện. Đấy là một chủ trương hoàn toàn đúng. Tôi cho rằng việc cổ phần hóa MobiFone phải quyết liệt để trong vòng 2 năm, MobiFone hoàn chỉnh như một công ty cổ phần, tôi cho cái đấy sẽ rất lợi cho thị trường viễn thông, nâng cao hiệu quả đầu tư, tận dụng hết nguồn lực và trí tuệ của nhà nước và xã hội”, ông Mai Liêm Trực khẳng định.
Cổ phần hóa để tạo áp lực cạnh tranh
Đề cập đến sự cần thiết phải sớm cổ phần hóa MobiFone, TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích: “MobiFone phải cổ phần hóa để tìm các nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ tốt, gây áp lực cạnh tranh cho 2 doanh nghiệp còn lại, buộc các doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ tốt hơn. Đối với MobiFone thì câu chuyện cổ phần hóa và đối tác là câu chuyện quan trọng nhất”.
Bình luận về vấn đề này, ông Mai Liêm Trực cho rằng, nếu cổ phần hóa MobiFone thì đương nhiên công ty đã cổ phần hóa sẽ có động lực để thu lợi nhuận, và chắc chắn sẽ khai thác tối đa hiệu quả đầu tư. Đây cũng sẽ là những thách thức đối với VNPT và Viettel. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa MobiFone đối với VNPT và Viettel cũng có lợi vì có sức ép cho toàn bộ hệ thống của hai doanh nghiệp này phải thay đổi để có đủ sức cạnh tranh với một công ty của thị trường cạnh tranh. Bài học phát triển của Viettel cho thấy doanh nghiệp này phát triển mạnh trong thời gian vừa qua là vì luôn luôn có những thách thức. Nếu Viettel hài lòng với những thành công thì chắc chắn sẽ đi xuống. Cho nên việc cổ phần hóa MobiFone sẽ tạo ra sức ép cho cả VNPT và Viettel.
(Nội dung được đăng trên Báo Bưu điện Việt Nam số 96+97 ra ngày 11/8/2014)
Theo Ictnews.vn