Cải cách giáo dục ĐH VN là chủ đề được Nhóm đối thoại giáo dục cùng nhiều học giả trong và ngoài nước thảo luận tại hội thảo ở TP.HCM ngày 31-7.
Lo lắng đối với cải cách giáo dục ĐH có thể thấy rõ khi GS Ngô Bảo Châu và các học giả dự hội thảo đánh giá giáo dục ĐH trong nước đã tụt hậu ngay với các nước trong khu vực. Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, giám đốc ĐHQG TP.HCM, trong ASEAN, VN giờ xếp trong nhóm các nước tụt hậu.
Tất cả các bước đều ngược
Phần trình bày của GS Ngô Bảo Châu chỉ ra thực tế tất cả các bước cơ bản trong xây dựng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học làm ngược lại so với thế giới. “Không phải một bước mà tất cả các bước” - GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh. Trong khi các ĐH trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nhân lực do mình tự đào tạo ra thì các trường ở các nước ưu tiên các ứng viên nơi khác (tạo ra máu mới). Trong khi ĐH VN phụ thuộc vào cơ quan nhà nước thì ĐH ở các nước thực hiện tự chủ khoa học. ĐH VN không khuyến khích giáo sư nước ngoài trong khi các nước không phân biệt giáo sư nước ngoài hay trong nước. Thậm chí Trung Quốc gần đây cũng có chính sách khuyến khích giáo sư nước ngoài rất mạnh.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội, nói kiểu tuyển giảng viên của VN chẳng giống ai. “Đào tạo sau ĐH, đào tạo tiến sĩ cũng là của mình đào tạo thì làm sao anh ta dạy những điều mới mẻ cho sinh viên. Giống như hôn nhân cận huyết vậy” - ông Thuyết nói.
Hai bộ trưởng không quyết được lương GS Ngô Bảo Châu
“Chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải cách nhưng vì sao con tàu giáo dục ĐH được đặt lên đường ray rồi, được cung cấp nguồn năng lượng rồi mà vẫn rất ì ạch?” - Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân nêu vấn đề. Ngay kể cả những thay đổi như tự chủ ĐH dù được chính thức thừa nhận là thuộc tính của các trường ĐH từ năm 2013 nhưng đến giờ các trường ĐH vẫn chưa dám tận dụng cơ chế này. Ông Nguyễn Quân đánh giá nhiều trường vẫn chịu nếp sống bao cấp hình thành từ lâu nên không dám thực hiện tự chủ.
“Chúng ta không thể tự chủ hệ thống giáo dục ĐH nếu như không có tự chủ tài chính... Tự chủ tài chính là gốc rễ của mọi vấn đề. Chúng ta được tự chủ về tổ chức, về biên chế, về hoạt động nhưng nếu không được tự chủ về tài chính thì mọi tự chủ khác chỉ là hình thức” - ông Quân thẳng thắn.
Một ví dụ về chuyện khó khăn cơ chế ông nêu ra là dù là bộ trưởng, cả ông hay Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng không thể ký phê duyệt lương cho GS Ngô Bảo Châu ở Viện Nghiên cứu cao cấp về toán được - điều mà ông gọi là “kỳ lạ”. “Lẽ ra lương của anh Châu phải do chính viện của anh quyết định vì anh ấy là viện trưởng, Nhà nước chỉ giao cho anh kinh phí, còn lương và chế độ cho các giáo sư ở đấy thì phải do anh Châu quyết định. Còn ở nước ta thì cả tôi và anh Phạm Vũ Luận cũng không ký được... Lương của giáo sư mà các cơ sở không quyết định được thì nói gì đến tự chủ?” - ông Quân nói. Đồng ý quan điểm này, bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, khẳng định: “Tự chủ tài chính là tiền đề của tự chủ toàn diện và là bài học thành công của ĐH Hoa Sen trong 15 năm đầu phát triển”.
“Năm nào cũng nói dối”
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết ông đến dự hội thảo này với chút tò mò và một chút ngưỡng mộ Nhóm đối thoại giáo dục. Dưới góc độ người quản lý lĩnh vực KH-CN, ông mong muốn được nghe những vấn đề về ứng dụng công nghệ, nghiên cứu khoa học trong giáo dục ĐH hiện nay. “Nếu không có các trường ĐH thì nền khoa học chúng ta sẽ là nền khoa học què quặt. Chỉ riêng các viện nghiên cứu là không đủ, không đủ cả về lực lượng, không đủ cả về nguồn trí tuệ cũng như môi trường để ứng dụng các nghiên cứu của mình” - Bộ trưởng Quân nói.
Ông Quân cho rằng hệ thống luật của VN phức tạp nhất thế giới, ngành nào cũng giữ khư khư luật của mình. Nghị định của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ giao biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường ĐH. Hiện nay các trường ĐH chỉ có biên chế giảng dạy, các thầy dạy quá tải vì học phí thấp không còn thời gian nghiên cứu. Sau phát biểu của ông, không khí buổi đối thoại bắt đầu nóng lên.
Về vấn đề kinh phí cho nghiên cứu khoa học, ý kiến của đại diện một trường ĐH ở Hà Nội được nhiều người tán thành: “Nhà khoa học thì không được nói dối, nếu nói dối thì không phải nhà khoa học, nhưng xin thành thật là năm nào tôi cũng nói dối. Nếu không làm như vậy thì chẳng bao giờ giải ngân được và như vậy thì tôi không có tiền để làm được gì hết”.
Với nhiều năm giảng dạy, làm việc cho các tổ chức và nghiên cứu tại châu Âu, GS Dương Nguyên Vũ, giám đốc Trung tâm xuất sắc John Von Neumann (ĐH Quốc gia TP.HCM), bức xúc cho biết: “Tôi đã về VN được 17 năm nhưng không giải được vấn đề tài chính. Nếu bài toán tài chính không giải được thì những vấn đề còn lại của nghiên cứu khoa học cũng không có lời giải, khoa học cũng không thể phát triển được”.
Hội thảo giáo dục còn tiếp tục thêm một ngày hôm nay (1-8).
Hội thảo cải cách giáo dục ĐH VN năm 2014 với chủ đề cải cách giáo dục ĐH do Nhóm đối thoại giáo dục phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ (TP.HCM). Gần 200 đại biểu đến từ nhiều trường ĐH trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đã tham dự hội thảo.
Đây là sáng kiến của GS Ngô Bảo Châu và các cộng sự trong Nhóm đối thoại giáo dục. Nhóm đối thoại giáo dục ra đời từ gần một năm nay, với mục tiêu tập hợp những trí thức VN trưởng thành và thành đạt ở nước ngoài, có trải nghiệm về nền giáo dục VN, thông qua các hoạt động thiết thực để trao đổi, thảo luận, nghiên cứu, phân tích, từ đó đưa ra các ý tưởng, giải pháp mang tính khả thi nhằm đóng góp cho nền giáo dục của đất nước.
|
THANH TUẤN - TRẦN HUỲNH
Vẫn đang tìm kiếm mô hình ĐH phi lợi nhuận
Theo ông Nguyễn Trường Giang - phó vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), học phí hiện là nguồn thu chủ yếu của các cơ sở đào tạo (tổng số sinh viên ĐH, CĐ năm 2014 là 1,6 triệu cả công lập và ngoài công lập). Với khoảng 254.000 sinh viên ngoài công lập hiện nay, tức 15,32% (mục tiêu của nghị quyết 14 năm 2005 đạt 40% số sinh viên ngoài công lập vào năm 2010) và dự kiến học phí trung bình khoảng 10 triệu đồng/sinh viên thì thu từ học phí có thể lên tới khoảng 2.500 tỉ đồng/năm. Từ năm 1998-2009 mới có mức nâng trần học phí đầu tiên (từ 50.000-180.000 đồng/tháng/sinh viên ĐH) lên 50.000-240.000 đồng/tháng/sinh viên. Theo tính toán đến năm 2015, mức thu học phí chỉ đáp ứng được 50-60% chi phí đào tạo cần thiết. Trong khi đó, các nguồn thu từ khoa học công nghệ, cung cấp dịch vụ của khu vực ĐH chiếm tỉ trọng rất thấp.
Đáp lại nhận định của một số chuyên gia về sự phân hóa sắp tới của các trường ĐH VN và dự báo tương lai sẽ nằm trong nhóm các trường ĐH phi lợi nhuận, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết việc tìm kiếm mô hình ĐH phi lợi nhuận vẫn đang được bộ xúc tiến. Trong khi chưa tìm ra mô hình cụ thể, chủ trương của Chính phủ là khuyến khích các nhà đầu tư tham gia (thể hiện qua việc cho phép thành lập Trường ĐH Fulbright ở VN mới đây). Riêng về tự chủ (học phí và tài chính), trong khi việc vượt trần chi 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục (cả phổ thông và ĐH) là “khó mà nâng được”, việc tìm các giải pháp xây dựng nguồn thu cho ĐH “còn đang nghĩ”, bộ vừa quyết định tháo gỡ mức “trần học phí” quy định trong hàng chục năm qua. Mới đây, bộ đã ban hành thông tư số 23/2014/TT - BGDĐT về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, theo đó các trường đã chính thức bước vào giai đoạn tự chủ hoàn toàn trong việc thu học phí. “Vấn đề còn lại là đảm bảo cho chất lượng giảng dạy tương xứng” - ông Ga kết luận.
CẦM PHAN
|
Theo Tuoitre.vn