|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định không có chuyện từ nay sẽ chỉ thuê ngoài dịch vụ CNTT mà dừng mọi dự án đầu tư. Ảnh: T.C |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định, không nên suy nghĩ rằng sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thuê ngoài dịch vụ CNTT được ban hành thì các cơ quan Nhà nước (CQNN) sẽ không thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống CNTT nữa. "Sẽ không chuyển tuyệt đối sang một hình thức nào cả mà hai quá trình này vẫn phải song hành ở một chừng mực tương đối. Trên thực tế, trước đến nay chúng ta vẫn đầu tư xây dựng là chủ yếu, nhưng chủ trương mới của Chính phủ thì đẩy mạnh hơn việc thuê ngoài", Thứ trưởng giải thích. Mỗi hình thức đều có những lợi điểm nhất định chứ không có chuyện hình thức này "xóa bỏ" hình thức kia.
"Không có hình thức nào là ưu việt tuyệt đối. Cần thể hiện rõ điều này trong dự thảo Quyết định để tránh ảnh hưởng đến các dự án đầu tư mà CQNN chuẩn bị đề xuất", Thứ trưởng chỉ đạo.
Quan điểm này được đưa ra sau khi một số ý kiến phản ánh rằng dư luận đang hiểu lầm về chủ trương thuê ngoài dịch vụ CNTT của Chính phủ, dẫn tới hai thái độ tiêu cực: Một là chờ đợi Quyết định thuê ngoài ban hành xong rồi mới triển khai dự án. Hai là nghĩ rằng chỉ có đề xuất hình thức thuê dịch vụ CNTT thì mới được lãnh đạo phê duyệt dự án.
"Hiện Chính phủ và Bộ hoàn toàn chưa có chủ trương đấy", Thứ trưởng Hồng khẳng định chắc chắn.
Tuần trước, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cũng bày tỏ lo ngại về việc ban hành quy chế thuê dịch vụ CNTT sẽ khiến cho hoạt động ứng dụng CNTT trong CQNN trong năm 2015 bị ngưng trệ. Theo phân tích của ông Phúc, chủ trương thuê dịch vụ vẫn đang rất mới và cả hệ thống CQNN sẽ cần có thời gian để làm quen, cũng như phải có quá trình chuyển tiếp từ việc chủ yếu ứng dụng CNTT trên hệ thống đầu tư hiện nay sang đi thuê dịch vụ. "CQNN là một hệ thống rất lớn, quy trình vận hành phải có nguyên tắc và thời gian, nếu cố nhảy vào thuê ngoài ngay thì có thể sẽ phá vỡ hệ thống, gây ngừng trệ mọi hoạt động", vị lãnh đạo Cục khuyến nghị.
Nhiều chuyên gia đều cho rằng, lời giải cho vấn đề này là đưa ra những nguyên tắc cho việc lựa chọn khi nào thì thuê dịch vụ CNTT và khi nào thì tự đầu tư ở CQNN. Ông ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp lệnh dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng với những dự án mà Nhà nước đã đầu tư rồi thì tuyệt đối không thuê ngoài nữa để tránh lãng phí. CQNN sẽ chỉ tiến hành thuê ngoài với những dịch vụ chưa có sự đầu tư, hoặc đầu tư đã hết khấu hao mà thôi. Một số lĩnh vực đặc thù như an ninh, quốc phòng thì vẫn phải ưu tiên đầu tư do tính chất đặc thù.
Cơ hội lớn cho DN công nghệ nội
Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ TT&TT vẫn nhìn nhận thuê ngoài dịch vụ CNTT không chỉ đem lại lợi ích rõ rệt cho các CQNN - hiểu cơ bản là những người đi thuê, mà còn là một cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp CNTT nội, tức là những người cho thuê.
Trong một sự kiện của VNPT hồi tuần trước, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son từng khẳng định quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ủng hộ chủ trương thuê ngoài dịch vụ CNTT trong CQNN sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp CNTT trong nước, mà cụ thể là những doanh nghiệp như VNPT.
"VNPT là một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực CNTT - Viễn thông của Việt Nam. Do đó, viễn thông sẽ không phải là nguồn thu duy nhất mà Tập đoàn còn phải tìm cách biến dịch vụ CNTT thành một nguồn thu chủ lực mới. Nhà nước đang tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp có năng lực, do đó VNPT phải có trách nhiệm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chỉnh phủ, phải là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đón nhận được cơ hội này", Bộ trưởng quyết liệt.
Theo Vietnamnet.vn