Tại cuộc họp Ban Soạn thảo xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước diễn ra sáng ngày17/7/2014, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT Nguyễn Thành Phúc lưu ý về mặt trái có thể xảy ra của chủ trương thuê dịch vụ CNTT.
"Mọi người đang nghĩ rất đơn giản về việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. Thực chất đây là vấn đề rất khó, hậu quả có thể khôn lường. Có thể ban hành xong quy chế thuê dịch vụ CNTT nhưng hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước chưa chắc đã tốt hơn", ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.
Theo phân tích của Cục trưởng Cục Tin học hóa, cần làm rõ nguyên nhân tại sao dù có nhiều ưu điểm nhưng bao năm qua, hình thức thuê dịch vụ CNTT vẫn không được triển khai rộng rãi. Tham khảo kinh nghiệm của Mỹ, Châu Âu và nhiều quốc gia tiên tiến khác thì thấy vẫn chỉ áp dụng hình thức thuê dịch vụ CNTT để quản trị hạ tầng chứ không thuê dịch vụ CNTT ở đa dạng hoạt động khác nhau.
Ông Nguyễn Thành Phúc cũng đề nghị phải thay đổi nhận thức về khả năng tiết kiệm chi phí khi thuê dịch vụ CNTT. Nhiều người nghĩ rằng thuê dịch vụ CNTT sẽ làm giảm chi tiêu từ ngân sách Nhà nước, nhưng thực tế không đúng như vậy. Thuê dịch vụ CNTT thì Nhà nước sẽ trả tiền dần theo thời gian thay vì phải đầu tư "một cục" cho hoạt động đầu tư mua sắm CNTT. Thuê dịch vụ CNTT sẽ không rẻ hơn mà chỉ kéo dài thời gian chi trả từ nguồn ngân sách Nhà nước. Hiện tại, một số doanh nghiệp đang miễn phí cho thuê dịch vụ CNTT, nhưng đây chỉ là miễn phí trong ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chiến lược marketing chiếm lĩnh thị trường. Nếu không có nhận thức đúng đắn về vấn đề chi phí thuê dịch vụ CNTT thì rất có thể năm sau, nhiều cơ quan Nhà nước sẽ không có nguồn chi cho hoạt động thuê dịch vụ CNTT và làm ngừng trệ hoạt động ứng dụng CNTT.
|
Việc bỏ hệ thống ứng dụng CNTT đã đầu tư xây dựng và vẫn chạy tốt để quay sang thuê dịch vụ CNTT sẽ gây lãng phí ngân sách. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
"Chủ trương thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan vẫn đang rất mới. Cả hệ thống cơ quan Nhà nước sẽ phải có thời gian để làm quen. Cần có thời điểm chuyển tiếp từ việc chủ yếu ứng dụng CNTT trên cơ sở dự án hiện nay sang chủ yếu trên thuê dịch vụ CNTT. Cơ quan Nhà nước là hệ thống rất lớn, quy trình vận hành phải có nguyên tắc và thời gian, nếu cố giải quyết nhanh chóng thì sẽ có thể phá vỡ hệ thống", ông Nguyễn Thành Phúc lưu ý thêm.
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp lệnh dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cũng đề xuất cần cân nhắc kỹ hơn những quy định có trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. Cần quy định rõ với những hệ thống ứng dụng CNTT mà Nhà nước đã bỏ tiền đầu tư những năm qua thì phải sử dụng và phát huy năng lực hệ thống để tránh lãng phí. Các cơ quan Nhà nước có thể hợp tác để cùng nhau sử dụng chung. Chỉ những ứng dụng nào mà Nhà nước chưa đầu tư hoặc không cần đầu tư nữa thì mới đi thuê ngoài. Và những loại dịch vụ nào đã xác định thuê ngoài thì từ nay Nhà nước sẽ không đầu tư nữa.
Những ý kiến nêu trên nhận được sự đồng tình của các thành viên trong Ban Soạn thảo xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. Những quy định như vậy sẽ tránh tình trạng các cơ quan Nhà nước vì lo ngại cảm tính mà trì hoãn việc triển khai các dự án mới về ứng dụng CNTT để chờ "thông" hoạt động thuê dịch vụ CNTT mới làm; hoặc sẽ có tình trạng bỏ phí hệ thống ứng dụng CNTT đã có với hạ tầng CNTT tốt để quay sang thuê dịch vụ CNTT cho "hợp mốt".
Theo Ictnews.vn