|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
|
Theo đó, Thường trực ban soạn thảo - Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết, thuê sử dụng dịch vụ CNTT là một xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới, việc thuê sử dụng dịch vụ CNTT từ các tổ chức doanh nghiệp có thể sẽ hiệu quả, tối ưu hơn do hình thức này cho phép cơ quan triển khai ứng dụng CNTT mà không cần ứng vốn đầu tư trước để xây dựng hệ thống CNTT, không cần duy trì bộ máy nhân sự kỹ thuật cồng kềnh, mà vẫn có thể nhanh chóng tiếp cận được những dịch vụ, ứng dụng CNTT chuyên nghiệp, chất lượng, các giải pháp, công nghệ mới, cập nhật.
Các nước Nhật, Hàn Quốc, Ý, Pháp, Mỹ, Anh, Canada… đều là thuê ngoài quản trị, vận hành tất cả hệ thống CNTT của thuế, hải quan. Tại Việt Nam, cũng đã có một số CQNN thuê dịch vụ CNTT như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội theo hình thức chỉ định thầu.
Theo Tổ thường trực Ban soạn thảo, khung hành lang pháp lý hiện nay về cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong hoạt động của CQNN chưa có nên đã gây khó khan.
Tại phiên họp lần này, Thường trực Ban soạn thảo đã trình bày dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thuê dịch vụ CNTT trong CQNN gồm 4 chương, 34 Điều: Chương I gồm những quy định chung (từ điều 1 đến điều 8), Chương II: lập và phê duyệt kế hoạch, dự án thuê, sử dụng dịch vụ CNTT trong CQNN (Từ điều 9 đến Điều 14); Chương III về thực hiện kế hoạch, dự án thuê, sử dụng dịch vụ CNTT trong CQNN (Từ điều 15 đến Điều 33) gồm đấu thầu cung cấp dịch vụ CNTT, đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện dịch vụ CNTT, Quản lý ngân sách nhà nước khi thực hiện đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ CNTT; Chương IV là tổ chức thực hiện (Điều 34).
Đóng góp cho dự thảo, các thành viên tổ biên soạn đã đóng góp nhiều ý kiến sát thực, giúp cho việc định hướng hoàn thiện Dự thảo Quyết định và thống nhất sẽ làm Quyết định của Thủ tướng ban hành cơ chế thuê dịch vụ CNTT. Quyết định này tập trung cho cơ chế thuê, tạo thuận lợi cho CQNN lựa chọn bên thuê. Quyết định cũng tháo gỡ, tạo thuận lợi triển khai dịch vụ đã được quyết định ở cấp cao, cố gắng cụ thể hóa thuê dịch vụ càng cụ thể càng tốt để sau khi văn bản ban hành được vận hành thuận lợi.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã kết luận dự thảo Quyết định cố gắng bám sát tinh thần không vi phạm, trái các văn bản quy phạm pháp luật khác và tăng cường dẫn chiếu đảm bảo thống nhất của các quy phạm pháp luật. Trong trường hợp đặc thù CNTT thì mới đưa nội dung viết cụ thể chi tiết giúp việc thực hiện thuận lợi. Tinh thần là văn bản mang tính chất chạy song song với Nghị định 102/NĐ-CP, mục tiêu thúc đẩy ứng dụng CNTT.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết, Dự thảo Quyết định sẽ được bổ sung cập nhật các ý kiến của Ban soạn thảo và sẽ gửi lấy ý kiến một số Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, các Sở TT&TT Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, các hiệp hội VINASA, Hội Tin học TP. HCM, VNISA, các doanh nghiệp CNTT: VNPT, Viettel, FPT, MISA, CMC, Bưu điện Trung ương, đăng website Chính phủ và Bộ.
Theo Mic.gov.vn