Ngay từ năm 2009, TS Mai Anh (từng là Giám đốc Trung tâm Tin học của Bộ Khoa học & Công nghệ) đã kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần tăng cường thuê ngoài dịch vụ, thậm chí áp đặt một số lĩnh vực phải thuê ngoài như tư vấn thiết kế hệ thống mạng, bảo trì hệ thống máy tính... Các cơ quan chuyên trách về CNTT của các Bộ/ngành, tỉnh/thành phố cần thay đổi vai trò của mình, giảm tối đa các công việc liên quan đến kỹ thuật, tăng cường thuê ngoài những dịch vụ có thể thuê để tập trung đề xuất giải pháp ứng dụng hiệu quả và quản lý các dự án, hợp đồng thuê ngoài.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, dường như kiến nghị này "rơi vào thinh không". Vẫn còn nhiều trung tâm CNTT, đơn vị chuyên trách CNTT của cơ quan Nhà nước nghiên cứu phát triển phần mềm rồi cung cấp cho các đơn vị trong ngành dọc, cạnh tranh với các doanh nghiệp CNTT.
|
Bộ phận chuyên trách về CNTT trong cơ quan Nhà nước sẽ phải hoạt động đúng với chức năng quản lý Nhà nước chứ không làm và bán phần mềm cạnh tranh với doanh nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
ICTnews đã từng phản ánh câu chuyện ngay cả Hệ thống thông tin quản lý đất đai của Công ty TNHH Nhân Ý đạt giải Sao Khuê 5 sao năm 2012 cũng không thể "chen" vào được cơ quan Nhà nước vì vấp phải quá nhiều lực cản. "Nhiều Bộ, ngành trong đó có cả Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng thành lập các trung tâm tin học làm ra phần mềm chuyên ngành rồi dùng uy tín của cấp trên để "đi xuống" đơn vị cấp dưới ở địa phương. Nhiều đơn vị muốn sử dụng phần mềm của Nhân Ý song vẫn e ngại. Chúng tôi đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh không bình đẳng”, bà Phạm Thị Phương Lan, Giám đốc Công ty Nhân Ý chia sẻ.
Trao đổi với ICTnews, một lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp phần mềm khác cũng phàn nàn về việc đơn vị chuyên trách CNTT của một "siêu Bộ" ở Việt Nam cũng đứng ra làm phần mềm có tính năng hỗ trợ nghiệp vụ chuyên ngành giống như phần mềm của doanh nghiệp này, sau đó chỉ đạo các đơn vị trong ngành sử dụng phần mềm của Bộ để đảm bảo tính thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, tác động không tốt tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
"Với chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai chủ trương thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị chuyên trách CNTT phải thay đổi lại tư duy, hoạt động đúng như đơn vị quản lý chuyên đảm trách việc nghiên cứu, đặt hàng dịch vụ CNTT, giám sát các nhà cung cấp dịch vụ xem dịch vụ đã ổn chưa, chứ không phải đi viết và bán phần mềm. Việc làm và bán phần mềm là việc của doanh nghiệp", một chuyên gia CNTT nhận xét.
Có thể đâu đó sẽ có những đơn vị chuyên trách CNTT phải sắp xếp lại công việc cho số lượng lớn cán bộ theo đúng nguyên tắc Nhà nước không làm những việc doanh nghiệp có thể làm. Song sẽ không phải lo ngại về chuyện dôi dư nhân sự khi thuê dịch vụ CNTT. Bởi vì các cơ quan Nhà nước vẫn rất cần có những cán bộ chuyên trách về CNTT có khả năng đặt dịch vụ CNTT một cách chuẩn xác, đưa ra những đầu bài cụ thể về chức năng, tính năng cần có của các dịch vụ CNTT, triển khai hoạt động đánh giá, giám sát chất lượng dịch vụ CNTT, đưa ra điều kiện đối với các nhà cung cấp dịch vụ… Thậm chí, khi triển khai Chính phủ điện tử cùng với hàng loạt hệ thống ứng dụng CNTT lớn, các cơ quan Nhà nước phải tiếp tục nâng cấp, bổ sung hơn nữa đội ngũ các đơn vị chuyên trách để giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ CNTT cho đúng yêu cầu, tránh lãng phí trong việc thuê dịch vụ CNTT.
Một vấn đề khá nhạy cảm được đặt ra hiện nay là nếu áp dụng cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước, sẽ tính thế nào với những phần mềm do bộ phận chuyên trách CNTT của các cơ quan Nhà nước đầu tư nghiên cứu xây dựng và đang được sử dụng.
Bàn về vấn đề trên, có ý kiến khẳng định thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước thay vì đầu tư mua sắm CNTT là một sự phát triển trong tư duy quản lý. Và trong sự phát triển bao giờ cũng có sự loại trừ những yếu tố không phù hợp. Đó là chuyện bình thường và mọi người sẽ phải chấp nhận.
Theo Ictnews.vn