Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa tuyên bố ủng hộ việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước và đồng ý đưa nội dung này vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014 để giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý cụ thể về việc thuê dịch vụ CNTT, không ít cơ quan Nhà nước vẫn lúng túng vì sợ làm sai luật.
Theo tìm hiểu của ICTnews, hiện đã có một số cơ quan Nhà nước tiên phong triển khai phương thức thuê dịch vụ CNTT. Các Bộ, ngành, địa phương có thể học tập kinh nghiệm từ những mô hình mẫu này.
Mô hình mẫu thứ nhất là TP.HCM. Ngay từ năm 2009, TS. Lê Mạnh Hà ở cương vị Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết TP.HCM đã thuê Công viên Phần mềm Quang Trung quản lý toàn bộ hệ thống trung tâm dữ liệu và hệ thống email của thành phố. Ngoài ra, việc quản lý trung tâm điều khiển mạng diện rộng tốc độ cao Metronet kết nối các cơ quan công quyền trên địa bàn TP.HCM cũng được thành phố thuê doanh nghiệp thực hiện. Theo TS. Lê Mạnh Hà, việc thuê dịch vụ như vậy giúp cơ quan nhà nước không phải đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, không phải tăng biên chế mà vẫn có được dịch vụ chuyên nghiệp và công nghệ luôn cập nhật.
|
Các cơ quan Nhà nước nên hạn chế đầu tư mua sắm mới thiết bị, giải pháp CNTT để chuyển sang phương thức thuê dịch vụ CNTT. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Mô hình mẫu thứ hai là Văn phòng Chính phủ. Từ cuối năm 2011, Văn phòng Chính phủ đã thí điểm áp dụng hình thức cho thuê dịch vụ CNTT để triển khai hệ thống hỗ trợ và quản lý văn bản trình Chính phủ và Thủ tướng. Hệ thống hỗ trợ và quản lý xử lý văn bản trên môi trường mạng được kết nối với 63 địa phương và các cơ quan của Văn phòng Chính phủ để xử lý các hồ sơ trình Chính phủ và Thủ tướng, giúp quy trình giải quyết hồ sơ nhanh hơn, cho phép cơ quan trình văn bản theo dõi quy trình giải quyết hồ sơ, hồ sơ trình đang ở đâu, theo dõi tiến độ công việc. Tiếp nối dịch vụ này, Viettel còn triển khai nhiều dịch vụ khác cho Văn phòng Chính phủ, chẳng hạn như dịch vụ cho thuê máy tính, dịch vụ cơ sở dữ liệu... Dự kiến những dịch vụ tương tự cũng sẽ được Viettel cung cấp cho Bộ Y tế.
Mô hình mẫu thứ ba là Văn phòng Quốc hội, vừa mới đây đã thuê dịch vụ của VNPT để sử dụng hệ thống điều hành điện tử EPAS. VNPT đã đầu tư toàn bộ hệ thống EPAS trị giá 30 tỷ đồng trên một hạ tầng CNTT hiện đại, nhằm mục đích chuyển đổi hoạt động xử lý công việc bằng văn bản giấy sang quản lý văn bản và điều hành trên mạng. Sau gần 2 tháng triển khai hệ thống tại Văn phòng Quốc hội, đã có 46.000 văn bản đến được số hóa, 13.000 văn bản đi được lưu trữ trong hệ thống EPAS.
Điểm mắc lớn nhất của việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước hiện nay là chưa có cơ chế nào cho phép thanh toán chi phí thuê dịch vụ CNTT. Ngay cả Văn phòng Chính phủ cũng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép một cơ chế đặc thù thí điểm thuê dịch vụ CNTT và chọn Viettel làm đơn vị cung cấp dịch vụ.
Cách đây ít lâu, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đã từng chia sẻ: "Dù không có văn bản pháp luật nào cấm cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp nhưng do việc này chưa phổ biến nên các đơn vị phụ trách CNTT vẫn khó thuyết phục cơ quan phụ trách tài chính duyệt khoản chi này. Rất cần có danh mục chi cho dịch vụ CNTT để giúp cho người làm CNTT dễ dàng đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt khoản chi cho dịch vụ CNTT".
Nguồn tin của ICTnews cho biết Bộ TT&TT dự kiến trong tháng 7 này sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT, trong đó sẽ có quy định, cơ chế rõ ràng về hoạt động thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước.
Trao đổi với ICTnews, một lãnh đạo của Bộ TT&TT khuyến nghị: "Thủ tướng đã đưa ra thông điệp rõ ràng về việc thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Các cơ quan Nhà nước cần phát huy tính chủ động hơn nữa trong công việc, chẳng hạn như giao cho một bộ phận chuyên trách về CNTT nghiên cứu xem cơ quan mình có thể thuê ngay được những dịch vụ CNTT nào. Có thể triển khai ngay những dịch vụ đơn giản như thuê máy tính, thuê phần mềm, thuê hạ tầng kỹ thuật để làm cổng thông tin điện tử... Đương nhiên, những gì cần chờ văn bản pháp lý hướng dẫn thì cũng nên bình tĩnh. Quan trọng là hạn chế đầu tư mua sắm mới thiết bị, giải pháp, ứng dụng CNTT để tránh tình huống vừa mua xong thì có hướng dẫn cụ thể về việc thuê dịch vụ CNTT, dẫn đến lãng phí đầu tư".
(Kỳ 4: Có sẵn nguồn cung đa dạng dịch vụ CNTT)
Theo Ictnews.vn