Khó có tương lai
Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 do Bộ TT&TT soạn thảo xác định thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực để nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm phần cứng - điện tử và sản phẩm, thiết bị CNTT mang thương hiệu Việt Nam để thay thế hàng nhập khẩu.
Thế nhưng, trao đổi với ICTnews, rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hiện thời vẫn bi quan cho rằng chưa có "cửa" cho các doanh nghiệp phần cứng - điện tử thương hiệu Việt phát triển. Thậm chí, có người khẳng định ở thời điểm này, không nên tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm, thiết bị phần cứng kiểu như máy tính thương hiệu Việt, điện thoại thương hiệu Việt vì không có thị trường.
Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT thẳng thắn nhận xét: "Việt Nam rất khó có tương lai sản xuất phần cứng. Một trong những lý do là Việt Nam nằm ngay cạnh Trung Quốc, được xem là “công xưởng” của thế giới với giá thành sản phẩm phần cứng - điện tử rất thấp. Về thiết kế, Trung Quốc không giỏi, nặng về bắt chước, cóp nhặt thiết kế từ nơi khác về làm. Nhưng với giá thành thấp, hàng Trung Quốc đang có sức cạnh tranh cao trên toàn cầu. Đến giờ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không có tương lai để cạnh tranh về phần cứng. Nhiều doanh nghiệp làm phần cứng mác Việt Nam thực ra chỉ lấy hàng Trung Quốc về dán tem Việt Nam".
Với nhiều năm trải nghiệm nỗi vất vả sinh tồn của các sản phẩm phần cứng, điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Phước Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam băn khoăn chia sẻ: "Đến giờ, Việt Nam vẫn không có nhiều doanh nghiệp phần cứng mạnh và có kinh nghiệm, gần đây mới thấy nhắc đến hoạt động tích cực của một số doanh nghiệp như Bkav, FPR, CMC, Tổng Công ty Điện tử Sài Gòn... Bộ TT&TT cần đứng ra chủ trì kết nối để các doanh nghiệp đứng đầu về phần cứng của Việt Nam có thể ngồi với nhau, thảo luận để đưa ra những mục tiêu cụ thể, khả thi hơn về chương trình phát triển công nghiệp phần cứng. Ngay cả câu chuyện đầu tư sản xuất thiết bị bán dẫn điện tử, dù đã có đánh giá nghiên cứu rồi nhưng đến hiện tại vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn liệu đó có phải hướng đi đúng?".
Ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm & Nội dung số cũng nhận định rằng trong mảng thiết kế vi mạch, sản phẩm "made in Việt Nam" rất khó có thể cạnh tranh với quốc tế ở đầu ra.
|
Sản phẩm phần cứng, điện tử Việt Nam vẫn chưa thoát cảnh chật vật tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Le lói tia sáng ở khe cửa hẹp
Liên quan tới định hướng sản xuất chip điện tử, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam kể lại câu chuyện cách đây 3 năm đã từng nghe Chủ tịch HP khuyên Việt Nam nên phát triển các sản phẩm điện tử, nhất là những sản phẩm phổ cập mà nhu cầu thị trường sẽ rất lớn như set top box, "đi từ công nghiệp điện tử rồi hãy chuyển sang chip". Nhưng lời khuyên này không được quan tâm ghi nhận.
"Hiện có một số đơn vị tích cực cổ súy cho việc nghiên cứu sản xuất chip, điển hình như Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) Đại học Quốc gia TP.HCM đầu tư tới 120 tỷ đồng để nghiên cứu thiết kế chip. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phần cứng Việt Nam rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Sẽ không thể sản xuất chip để cạnh tranh với các ông lớn như Samsung, Toshiba, Intel... Chúng ta chỉ nên chọn một số mũi nhọn trọng điểm đầu tư phát triển như một nhiệm vụ chính trị theo hướng có thể tự chủ tự lực về công nghệ để đảm bảo quốc phòng an ninh chứ không nên hướng đến mục tiêu xuất khẩu và cạnh tranh quốc tế", ông Bùi Mạnh Hải khuyến nghị.
Không phủ nhận việc Việt Nam đang "bí" trong vấn đề phát triển phần cứng, song ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ một góc nhìn khác có vẻ lạc quan hơn: "Hiện đã bắt đầu hé lộ cơ hội mới, đó là năng lực thiết kế trong công nghiệp phần cứng. Với nguồn nhân lực hiện tại, Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ thiết kế phức tạp. Về việc sản xuất, hiện thực hóa thiết kế, trước gặp rất nhiều khó khăn, đơn giản như bàn phím điện thoại cũng phải chạy ra nước ngoài nhờ hỗ trợ, nhưng 1 - 2 năm nay đã có nhiều công ty sản xuất phụ kiện vào Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ. Ở thời điểm này, việc sản xuất ra sản phẩm có đủ năng lực cạnh tranh thế giới là có thể tại Việt Nam".
Theo Ictnews.vn