|
Ảnh minh họa |
So với quy định tại Quyết định 93/2007/QĐ-TTg hiện đang được áp dụng, tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất thêm quy định về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông hiện đại cấp huyện.
Theo dự thảo, cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông hiện đại là cơ chế giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một hoặc nhiều cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính từ công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của một cơ quan hành chính nhà nước.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị điện tử hiện đại, áp dụng phần mềm điện tử nhằm tin học hóa tất cả các giao dịch hành chính giữa cá nhân, tổ chức với cơ quan hành chính nhà nước và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau trong việc công khai, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
|
Theo dự thảo, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông hiện đại cấp huyện là đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, chuyển hồ sơ đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện giải quyết và nhận kết quả để trả cho cá nhân, tổ chức.
Ngoài các quy định như diện tích làm việc tối thiểu 80m2, trang thiết bị theo quy định chung thì Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được đặt tại khu vực trung tâm của cơ quan hành chính nhà nước; đảm bảo thoáng mát, trang trọng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được bố trí khoa học, bao gồm khu vực cung cấp thông tin, thủ tục hành chính; khu vực đặt các trang thiết bị điện tử, kể cả máy lấy số xếp hàng tự động, tra cứu thông tin, thủ tục hành chính, tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính; khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành từng quầy tương ứng với từng lĩnh vực khác nhau; khu vực bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết dành cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch.
Bên cạnh đó, phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các thiết bị chuyên dụng tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; có đủ điều kiện để tiếp nhận hồ sơ được nhận qua đường bưu điện và thực hiện các giao dịch hành chính công trực tuyến ở mức độ 3 và 4.
Ngoài ra, sẽ áp dụng phần mềm điện tử dùng chung tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các phân hệ chức năng khoa học, rõ ràng, tiện lợi, có tính tự động cao và mềm dẻo, đảm bảo các yêu cầu cơ bản như: Quản lý toàn bộ hoạt động tiếp nhận, in phiếu biên nhận, giao xử lý hồ sơ và chu trình xử lý của các bộ phận đối với việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; chuẩn hóa các thủ tục, hồ sơ, đưa mã số, mã vạch vào quản lý một cách khoa học, tăng hiệu quả trong công tác theo dõi quá trình xử lý hồ sơ, tìm kiếm kết quả giải quyết hồ sơ; cho phép cá nhân, tổ chức đến giao dịch thủ tục hành chính được tra cứu trình tự, nội dung, thời gian và kết quả giải quyết thủ tục hành chính; cho phép tích hợp chữ ký số trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, sẵn sàng kết nối đến các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin do các cơ quan hành chính nhà nước cung cấp…
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại lần đầu tiên được khởi xướng và thực hiện vào năm 2006 tại một số huyện, quận của thành phố Hải Phòng. Đến nay, đã có nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện cơ chế này tại UBND cấp huyện.
|
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Chinhphu.vn