Lép vế trong cuộc đua không cân sức
Từ năm 2001, tại Việt Nam từng có khá nhiều PMNM được triển khai trong cơ quan Nhà nước theo Đề án 112 của Chính phủ về Tin học hóa hành chính Nhà nước. Khi đó, trong số 7 công ty tham gia xây dựng các dịch vụ cơ bản như hệ thống thư điện tử, xác thực chữ ký điện tử... có tới 6 công ty sử dụng PMNM. Tuy nhiên, sau khi Đề án 112 bị tạm dừng thì các hệ thống PMNM không còn kinh phí để duy trì sự sống. Hầu hết các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều được khuyến khích chuyển sang sử dụng hệ thống dựa vào phần mềm nguồn đóng như phần mềm Microsoft.
Câu chuyện cân đong lợi ích giữa phần mềm nguồn đóng với PMNM liên tục được đưa ra bàn thảo trong hàng loạt hội nghị, hội thảo sau này nhưng kết cục đều không thể thống nhất nên theo "đóng" hay "mở".
Đến tháng 3/2004, Thủ tướng ký Quyết định số 235 về ứng dụng PMNM tại Việt Nam giai đoạn 2004 - 2008 nhưng không thấy có hoạt động hiện thực hóa chủ trương trong quyết định này. Nhiều người ngán ngẩm cho rằng đây chỉ là một chính sách nằm trên giấy.
|
Hầu hết máy tính trong các cơ quan Nhà nước vẫn cài phần mềm nguồn đóng như Windows. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Những năm tiếp theo, phần mềm nguồn đóng, chủ yếu là phần mềm Microsoft, hoàn toàn chiếm giữ vai trò "át chủ bài" trên thị trường phần mềm Việt Nam. Tháng 5/2007, dư luận rộ lên câu chuyện Chính phủ ký kết với Microsoft mua 300.000 giấy phép sử dụng bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office (MSO). Số tiền mua bản quyền không được công bố chính thức, song theo một số nguồn tin trên mạng thì giá trị khoảng 20 triệu USD (tương đương 400 tỷ đồng). Hàng loạt ý kiến phản đối chuyện chi quá nhiều ngân sách cho việc qua bản quyền Microsoft trong bối cảnh "bầu sữa" ngân sách ngày càng có xu hướng xẹp dần, kèm theo khuyến nghị rằng PMNM chính là "cứu cánh".
Tháng 12/2008, Bộ TT&TT ban hành Chỉ thị số 07 về đẩy mạnh sử dụng PMNM trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Cộng đồng PMNM Việt Nam lại có thêm hy vọng. Nhưng đến tháng 12/2012, theo báo cáo của Vụ CNTT, Bộ TT&TT thì hầu hết các mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị 07 đều không đạt được. Một trong những nguyên nhân chính vẫn là không bố trí được kinh phí.
Trong khi đó, trước sức ép phải giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm, các cơ quan, tổ chức vẫn phải tiến hành mua bản quyền phần mềm nguồn đóng. Việc cùng lúc phải tính chuyện triển khai PMNM khi thiếu cả kinh nghiệm - vốn đầu tư - nhân lực và mua bản quyền phần mềm nguồn đóng để không bị "bêu tên" khiến nhiều địa phương, cơ quan Nhà nước lúng túng.
Mới đây, không ít cơ quan Nhà nước Việt Nam, điển hình như Bộ Giáo dục & Đào tạo lại vừa ký thỏa thuận hợp tác với Microsoft trong vòng 5 năm (2013 - 2018).
Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) chia sẻ: "Các doanh nghiệp PMNM cũng hơi nản trong việc tiếp cận với các cơ quan Nhà nước. Thực tế như phần mềm nguồn mở NukeViet được rất nhiều các cơ quan, tổ chức Nhà nước sử dụng, từ website cấp Bộ cho tới cổng thông tin cấp sở, chủ yếu sử dụng miễn phí và các đơn vị tự triển khai. Tuy nhiên, khi các đơn vị này có kinh phí nâng cấp, triển khai thì lại đi theo mô hình mua phần mềm nguồn đóng mặc dù PMNM tốt hơn, hiệu quả hơn. Những PMNM rất khó có cửa để theo các dự án như vậy của cơ quan Nhà nước".
Mong chờ cú hích thực sự về chính sách
Câu chuyện thiếu cơ chế, chính sách thực sự hỗ trợ phát triển PMNM nhiều năm qua đã được gắn với câu cửa miệng "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng đến giờ chưa được khắc phục. Bộ TT&TT đã có dự kiến ban hành một số quy định như bổ sung tiêu chí sử dụng PMNM vào các đợt bình xét thi đua khen thưởng trong cơ quan Nhà nước hoặc cơ chế bắt buộc các máy trạm, máy chủ được mua mới trong cơ quan Nhà nước phải cài đặt sẵn PMNM theo Danh mục PMNM mà Bộ TT&TT ban hành,... Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa thấy công bố chính thức về việc ban hành những quy định này.
Ông Nguyễn Thế Hùng nhận định: "Chưa có hành lang pháp lý cho việc mua dịch vụ CNTT trong khối Nhà nước đang là một trong những lực cản lớn đối với sự phát triển PMNM. Bởi kinh doanh PMNM chủ yếu là kinh doanh dịch vụ chứ không phải bán giấy phép sử dụng và doanh nghiệp PMNM đang rất khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ cho khối cơ quan Nhà nước".
Ông Lê Trung Nghĩa, chuyên gia PMNM đề nghị cơ quan hoạch định chính sách sớm bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan tới PMNM. Điển hình như định mức chi cho việc triển khai áp dụng PMNM thông qua các dịch vụ, hoặc định mức chi cho phát triển sản phẩm PMNM. Đặc biệt, cần xem xét các mô hình khoán chi phần mềm để loại bỏ sự bất bình đẳng trong phân bổ ngân sách chi tiêu CNTT cho phần mềm sở hữu độc quyền với PMNM.
Về phía các cơ quan, tổ chức cũng nên xác định rõ hơn lợi ích của việc sử dụng PMNM. Nếu còn băn khoăn, vướng mắc thì có thể liên hệ Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) để được tư vấn miễn phí.
Theo Ictnews.vn