Theo thống kê những năm qua, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đà Nẵng đã có sự thay đổi về tỷ trọng. Theo đó tỷ trọng các mặt hàng có hàm lượng chất xám, công nghệ cao ngày càng tăng trong khi đó, tỷ trọng các mặt hàng gia công có giá trị thấp đang giảm dần. Dự kiến, đến năm 2015, Đà Nẵng sẽ đạt lượng hàng hóa lưu chuyển là hơn 42 triệu tấn/ năm và đến 2020 đạt trên 62 triệu tấn/năm. Mức độ tăng trưởng hàng hóa trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2015 tăng mạnh, khoảng 8, 5 % /năm và từ 2015 đến 2020 từ 6 đến 6,5 %/ năm.
Nhằm tăng cường việc luân chuyển hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, đặc biệt là các nhóm hàng CNTT, công nghệ cao trong nước với khu vực và quốc tế, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng trong thời gian tới, TP Đà Nẵng quyết định xây dựng Trung tâm Logistics hiện đại, với diện tích lên đến 140 ha, tại địa bàn xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng (phía tây đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi).
Được biết, nguồn vốn để đầu tư xây dựng trung tâm Logistics cấp vùng này khoảng 370 triệu USD tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng (kho bãi, cảng cạn, khu ga, đường sắt kết nối…); và đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến (thiết bị theo dõi luồng hàng, cơ sở dữ liệu quản trị Logistics, thiết bị bốc xếp hàng hóa, xe đầu kéo và các phần mềm tại trung tâm Logistics và các khu cảng biển, ga đường sắt, cảng hàng không…).
|
Cảng Đà Nẵng sẽ được tăng cường đầu tư để trở thành một khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics khu vực miền Trung-Tây Nguyên
|
Bên cạnh đó,TP Đà Nẵng còn ưu tiên đầu tư cho hệ thống thông tin liên lạc và điều khiển tự động tại các đầu mối giao thông vận tải hàng hóa; Tăng cường kết nối liên thông đa phương thức giữa trung tâm Logistics và hệ thống giao thông vận tải; Đầu tư hệ thống điều khiển tự động, hải quan điện tử cũng như đẩy mạnh áp dụng trao đổi thông tin điện tử khi thực hiện thủ tục hành chính, nhằm đảm bảo hình thành nên một Trung tâm Logistics đạt chuẩn quốc tế.
Theo Ictnews.vn