Lời tòa soạn:
Ngày 29/5, Báo điện tử Infonet nhận được một bức email của một độc giả với tiêu đề: "Thư ngỏ gửi bác Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Bức thư rất dài, lên tới gần 3.000 chữ nhưng được viết bằng một văn phong khá mộc mạc, chân thành và thú vị. Tác giả bức thư tự giới thiệu mình là một học sinh lớp 12 của một trường THPT ở tỉnh Thanh Hóa. Ở thời khắc chuẩn bị kết thúc thời học sinh, tác giả có khá nhiều cảm xúc và đặc biệt là rất mong muốn ngành giáo dục Việt Nam có những sự thay đổi "vì học sinh" hơn nên đã viết bức thư này.
Biên tập viên của Infonet đã liên hệ với tác giả và xác minh sự việc. Thể theo yêu cầu của tác giả, để tránh ảnh hưởng đến trường và đến bản thân trong khi kỳ thi tốt nghiệp và thi vào Đại học đang đến gần, tác giả mong muốn Infonet không công khai danh tính và địa chỉ của mình khi đăng lá thư lên báo.
Dù lá thư khá dài so với khuôn khổ của một bài báo thông thường, dù lời văn đôi chỗ còn chưa chau chuốt nhưng để tôn trọng ý kiến của em học sinh này, Infonet quyết định đăng tải nguyên văn bức thư.
---------------------------------------------
Kính gửi bác bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!
Lời đầu thư, xin được gửi lời chào và chúc sức khỏe bác và gia đình. Và cũng xin thưa với bác, cháu chỉ là một học sinh bình thường trong tổng số khoảng hơn 15 triệu học sinh trên cả nước. Cá nhân cháu chưa đủ tư cách để “thay mặt”, “đại diện” hay “nhân danh” điều gì để có thể nêu ra đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những dòng dưới đây chỉ là một quan điểm của cháu, mong rằng bác sẽ xem xét nó.
Thưa bác, trước khi đi vào làm rõ những ý kiến của mình, cháu xin được kể với bác vài câu chuyện mà cháu được chứng kiến:
Chuyện thứ nhất: “Thư viện có ma”
Chẳng là trường cháu được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tặng một thư viện điện tử trị giá gần 3 tỉ đồng, bao gồm các loại tài liệu trực tuyến phục vụ học tập, cơ sở hạ tầng, các phòng máy… Bọn cháu cũng khấp khởi mừng, các lớp lập danh sách tài liệu phục vụ học tập, các tác phẩm văn học kinh điển, … để nộp cho nhà trường, phục vụ mua sắm.
|
Ảnh minh họa. |
Nhưng rồi mọi chuyện chẳng đi đến đâu, thư viện điện tử được khánh thành vào ngày khai giảng năm học, được gắn biển có lô-gô Viettel và … khóa trái lại, để đó. Ngày ngày, bọn cháu vẫn phải thực hành tin học với những chiếc máy tính cổ lỗ, chậm rì rì. Nhiều khi thắc mắc, tại sao thư viện điện tử không mở cửa cho học sinh tham khảo, bọn cháu đùa nhau: “Chắc là thư viện bị ma ám rồi!”. Có lẽ là có ma thật bác ạ, nhưng nó không chỉ ám thư viện, mà còn ám nhiều thứ khác làm trì trệ ngành giáo dục Việt Nam.
Chuyện thứ hai: “Con virus Bách Khoa"
Đêm qua, cháu đang học bài thì nghe tiếng kêu thất thanh của mẹ: “Máy bị nhiễm virus rồi con ơi!”. Bố con cháu vội vàng chạy sang, rồi ôm nhau cười khi nhìn thấy “con virus Bách Khoa” của mẹ. Đó là do lúc chiều cháu cập nhật lại phần mềm diệt virus BKAV cho máy tính, và chọn chế độ “quét lúc khởi động”. Khi mẹ cháu - một giáo viên - bật máy tính lên để soạn giáo án, thì trên màn hình xuất hiện cửa sổ của phần mềm Bách Khoa Anti Virus (BKAV).
Mẹ cháu không biết tiếng Anh, chỉ đọc được mỗi chữ “virus” nên tưởng rằng đó là “con virus Bách Khoa” phá máy tính, “ăn” hết giáo án của mẹ.
Nghĩ mà tội cho mẹ cháu, cả ngày quần quật hết việc trường lại đến việc nhà, đến khuya mới ngồi vào bàn làm việc. Từ khi ngành giáo dục chuyển sang dùng giáo án điện tử, công việc của mẹ cháu có đỡ vất vả hơn dùng giáo án viết tay, nhưng mẹ cháu - và nhiều giáo viên khác nữa - vẫn chưa thực sự sẵn sàng tiếp cận nó.
Theo quan sát của cháu, thì giáo viên ở cấp dưới (tiểu học, THCS) có kĩ năng sử dụng máy tính kém hơn nhiều các giáo viên cấp trên. Giáo viên nữ nói chung là yếu hơn giáo viên nam, đó là do đặc thù về giới tính, và cũng là vì họ bận bịu với rất nhiều việc có tên và không tên, ít có thời gian học tập nâng cao trình độ.
Từ khi giáo án không còn là những quyển sổ dày cộp, mà chỉ còn là một tệp văn bản trong máy tính, mẹ cháu luôn thường trực một nỗi sợ hãi rằng những thứ như virus hay thằng em trai nghịch ngợm của cháu sẽ xóa mất giáo án. Mẹ cháu không hiểu rõ về máy tính, nên sợ hãi. Và nỗi sợ đó đã gây nên câu chuyện dở khóc dở cười kể trên. Ở nhà cháu có con virus Bách Khoa, còn ở nhà một số bạn khác có mẹ làm giáo viên thì có con virus Kaspersky, virus Avira, virus Avast…
Chúng cháu kể cho nhau nghe và ôm bụng cười. Nhưng cười xong thì thương vô cùng. Biết đến bao giờ mẹ cháu và các cô giáo mới thoát khỏi những nỗi sợ vô cớ như vậy? Nỗi sợ đó cũng giống như nỗi sợ hãi của những người Mèo trên núi cao sợ con chữ, coi con chữ là con ma. Đã có biết bao nhiêu thầy cô giáo xung phong lên miền núi dạy học, để truyền bá tri thức, để đưa người Mèo ra khỏi nỗi sợ lạ lùng đó. Nhưng đến bao giờ mới có người đưa các cô giáo ra khỏi nỗi sợ hãi công nghệ thông tin?
Chuyện thứ ba: Tập huấn kiêm du lịch
Hè vừa qua, lớp cháu được đi du lịch ở Đà Nẵng. Chúng cháu đã đi thăm thú nhiều nơi, đi thăm cầu Rồng, đi cáp treo ở Bà Nà … Và cháu đã gặp rất nhiều giáo viên ở các khu vui chơi. Ngồi cùng cháu trên cáp treo lên đỉnh Bà Nà có hai cô giáo, trên tay họ còn cầm một cặp nhựa đựng giáo trình, tài liệu…
Gần 20 phút ngồi cáp treo, cháu để ý nghe cuộc trò chuyện của họ: Thì ra họ không đi du lịch, mà là đi dự các lớp tập huấn do Bộ tổ chức ở Đà Nẵng. Nhưng hai cô giáo này chỉ đi dự buổi đầu và buổi cuối cùng, còn thì… trốn ra ngoài đi chơi. Cháu giận sôi lên, nhưng rồi khi nhìn lại những cuốn tài liệu tập huấn của hai cô giáo, cháu cay đắng hiểu rằng: Những thứ này các cô có học cũng sẽ không bao giờ được áp dụng ở trường.
|
Ảnh minh họa. |
Ở trường, chúng cháu chỉ có mục tiêu lớn nhất là thi đỗ đại học với điểm cao… Đa số phụ huynh đều không muốn con mình lãng phí thời gian vào những “thứ vớ vẩn” như kĩ năng sống hay kiến thức xã hội… Tất cả là cho ba môn thi vào đại học thôi, thưa bác.
Và ngay cả chúng cháu nữa, chúng cháu cũng chưa nhận thấy lợi ích của những điều đó. Chúng cháu rất yếu kiến thức xã hội, còn non nớt về kĩ năng, nhưng nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết việc đó bằng cách tổ chức một vài lớp “tập huấn” mùa hè, rồi mỗi tỉnh, mỗi trường cử một vài giáo viên đi học cách “lồng ghép” kĩ năng sống vào giảng dạy, thì e rằng mọi chuyện sẽ chẳng đi đến đâu cả. Điều đó sẽ chỉ gia tăng gánh nặng cho việc học vốn đã quá tải của chúng cháu mà thôi, thưa bác.
Cách hay nhất, theo cháu, đó chính là để học sinh chúng cháu tự tìm hiểu. Thầy cô chỉ là người theo dõi và hướng dẫn, là định hướng chứ không áp đặt chúng cháu.
Chuyện thứ tư: Việt Nam lạc hậu, phương Tây văn minh
Đó là một tiết học địa lí ở trường cháu. Khi chúng cháu học đến phần “khai thác và nuôi trồng thủy sản”, thì tự nhiên cô giáo đưa ra một nhận xét “sững người”: “Việt Nam ta còn rất lạc hậu, chúng ta đánh bắt hủy diệt bằng lưới. Còn phương Tây rất “văn minh”, họ chỉ câu cá thôi. Nếu như cá bé quá thì người ta sẽ lại thả nó đi!”.
Trời ơi, bác có tin rằng đó là lời của một giáo viên môn địa lí, đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm và có thâm niên giảng dạy không ạ?
Vâng, cứ như lời cô giáo nói, thì phương Tây là “lũ man rợ”. Cá mắc câu đã bị rách toạc mồm ra rồi, thử hỏi thả nó đi thì nó còn ăn uống, kiếm mồi như thế nào? Tất yếu là nó sẽ chết.
Cháu không kiềm chế được cảm xúc của mình, nên xin ra ngoài cho đến khi hết tiết học. Cháu rất muốn nói với cô giáo rằng: Trong tay cô có máy tính, nhà trường đã phủ sóng wifi, vậy tại sao cô không chịu khó tra cứu một chút, mà chỉ bám theo mấy cái slide trình chiếu? Có lẽ nào “đổi mới dạy và học” chỉ là việc lắp thêm mỗi lớp một cái máy chiếu, để các thầy cô trình chiếu bài giảng lên đó, thay cho viết lên bảng hay sao?
Chỉ cần mất chưa đầy hai phút tìm kiếm trên mạng, cháu đã biết: Việt Nam qui định rất chặt chẽ về kích thước mắt lưới trong đánh bắt thủy hải sản. Ví dụ với lưới rê, thì tùy vị trí mà kích thước mắt lưới dao động từ 125 đến 180mm. Nếu sử dụng lưới bé hơn kích thước đó là khai thác tận diệt, sẽ bị xử phạt. Và cũng chỉ cần vài thao tác đơn giản để tra cứu, cô giáo của cháu sẽ thấy đội tàu đánh cá hùng hậu của Nhật Bản, Bắc Âu … Họ cũng dùng lưới như Việt Nam ta đấy chứ ạ?
Thưa bác Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Bốn câu chuyện trên, chỉ là minh họa cụ thể cho một số ý kiến của cháu. Lâu nay, cháu nghe nhiều đến đổi mới, cải cách trong giáo dục, thay đổi trong phương pháp dạy và học
Ngành giáo dục cũng đang được đầu tư rất lớn, bởi cả các nguồn lực của nhà nước và nguồn xã hội hóa. Điển hình như Tập đoàn Viettel đã cam kết sẽ cung cấp kết nối internet đến 100% các cơ sở giáo dục trên cả nước. Đó là sự đầu tư rất lớn, lên đến hàng ngàn tỉ đồng, nhưng liệu chúng ta có tận dụng được nó không, thưa bác?
Cháu sợ rằng, nếu như vẫn giữ những tư duy cũ, cách làm cũ, thì mọi chuyện rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu cả.
|
Ảnh minh họa. |
Đất nước đang tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi những con người mới đủ tài đức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước có thể cấp kinh phí, những doanh nghiệp vì cộng đồng như Tập đoàn Viettel có thể giúp đỡ về cơ sở vật chất, nhưng tự chúng ta sẽ phải thay đổi về cách tư duy.
Điều đó bao gồm tất cả: từ các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách, cho đến các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và cả các học sinh - chủ thể của giáo dục. Bác Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel mong muốn dùng sức mạnh của công nghệ thông tin để xóa nhòa khoảng cách về địa lí, để mỗi trường học học sinh đều có thể được học với chất lượng như trường chuyên Hà Nội - Amsterdam ở Thủ đô.
Nhưng liệu chúng ta có chủ động tiếp cận, có mơ cùng một giấc mơ và cùng hành động với bác Nguyễn Mạnh Hùng không ạ? Đến bao giờ thì những câu chuyện dở khóc dở cười cháu kể ở trên mới chấm dứt, thưa bác?
Đặc thù văn hóa Á Đông tôn trọng thứ bậc, nên những học sinh như cháu nhiều khi chưa dám nói ra hết những suy nghĩ của mình, sợ rằng sẽ bị chê trách là “trứng khôn hơn vịt”. Nhưng cháu nghĩ rằng, trên hành trình tiếp thu tri thức, chiếm lĩnh khoa học, chúng cháu phải nhất định.
Chúng cháu kính trọng thầy cô theo đúng quan điểm “tiên học lễ, hậu học văn” tự ngàn xưa, nhưng chúng cháu chỉ thực sự tin và khâm phục các thầy các cô khi họ thể hiện được trí tuệ vượt trội của mình trước học sinh.
Cháu có đòi hỏi quá nhiều không khi nghĩ rằng chính các thầy cô sẽ dạy học sinh cách tìm hiểu, cách nghiên cứu một vấn đề, cách tra cứu thông tin từ thư viện hay trên mạng, cách thảo luận, tranh luận với các bạn và với thầy cô, cách làm việc nhóm để cùng nhau hoàn thành một bài tập, bài thuyết trình cho seminar khoa học của học sinh phổ thông?
Theo quan điểm đó của cháu, thì mỗi thầy cô đều phải giỏi cả về chuyên môn giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm. Vậy với mặt bằng nhiều khi rất thấp của một vài trường đại học sư phạm hiện nay, các thầy cô giáo tương lai có đáp ứng được điều đó? Và liệu họ có bằng lòng với mức đãi ngộ còn khá thấp hiện nay, thưa bác?
Đó là những câu hỏi cháu không thể nào trả lời được, nên cháu mạn phép được viết những dòng này cho bác. Cháu đã gặp một vài thầy cô như cháu mong ước, không nhiều, nhưng họ để lại cho cháu nhiều ấn tượng về lòng yêu nghề và nhiệt huyết. Cháu tin rằng, nếu tất cả các giáo viên trong cả nước ai cũng như vậy, thì giáo dục Việt Nam nhất định sẽ cất cánh bay cao. Nhưng để có được đến hàng triệu giáo viên như thế, thì phải đau đầu giải quyết những bài toán khó về cơ chế, về đãi ngộ… trong khi nước ta còn nghèo.
Bác Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn chúng cháu có điều kiện học như ở trường Hà Nội – Amsterdam, nhưng cháu nghĩ rằng: Dù rất biết ơn sự quan tâm đến sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ của bác Hùng và Tập đoàn Viettel, nhưng có lẽ không cần đến những sự đầu tư lớn như thế, mà điều quan trọng cần khai thác khoản đầu tư một cách đúng, đủ, có trọng tâm và không lãng phí.
Giá thành cho việc truy cập internet hiện nay khá rẻ, nhưng hầu hết học sinh lên mạng chỉ để giao lưu trên mạng xã hội, nghe nhạc, chơi game, đọc truyện, xem tin tức về những ngôi sao Hàn Quốc … (Và còn chưa kể đến một bộ phận không nhỏ còn truy cập các trang web “đen”, truyền tay nhau những văn hóa phẩm đồi trụy).
Cần có một quan điểm giáo dục, những phương pháp dạy học, mà trong đó học sinh không chỉ biết có cuốn sách giáo khoa với những số liệu cũ kĩ từ hàng chục năm trước. Học sinh sẽ khai thác mạng internet như một công cụ phục vụ học tập.
Số liệu chuẩn phục vụ dạy và học có thể được đăng tải trên các trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tổng cục Thống kê (ví dụ như các tài liệu về dân số, về sản lượng đánh bắt cá … phục vụ môn Địa lí), của Bộ Khoa học Công nghệ (phục vụ các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học …)…
Điều quan trọng là, thay vì để thầy cô truy cập nó và đưa vào bài giảng, hãy để chính học sinh tự truy cập, lấy thông tin phục vụ nghiên cứu, thảo luận. Thầy cô sẽ chỉ là người đặt vấn đề, định hướng thảo luận, đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng. Theo cháu, đó là cách để rèn luyện cho học sinh cách đánh giá vấn đề, cách xử lí số liệu, cách trình bày quan điểm, cách tranh luận bảo vệ ý kiến, cách làm việc nhóm cùng nhau…
Cháu hiểu rằng, chúng cháu còn thua các bạn học sinh Thủ đô, không phải ở sự đầu tư, mà chính là ở cách tư duy, cách học tập còn nhiều điểm chưa phù hợp. Cháu nghĩ rằng, nếu như có cách học phù hợp, thì không cần đến mức đầu tư cao như thế, chúng cháu vẫn có thể học giỏi bằng, thậm chí vượt cả các bạn học sinh Hà Nội – Amsterdam.
Trên đây là một vài ý kiến của cháu, nếu có điều gì chưa đúng, mong bác rộng lượng tha thứ.
Cuối thư, kính chúc bác và gia đình sức khỏe. Mong rằng giáo dục Việt Nam sẽ sớm có những thay đổi phù hợp, đào tạo ra những con người tài năng, góp phần đưa đất nước vươn cao trong thời đại mới.
Theo Infonet.vn