Tại hội thảo mới đây ở Hà Nội về chiến lược kinh doanh trực tuyến, ông Johan Segergren, Phụ trách mảng Kinh doanh doanh nghiệp của Google tại Thái Lan và Việt Nam, tỏ ra khá ngạc nhiên khi ICTnews cho biết tại Việt Nam, bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công cụ, ứng dụng của Google trong công việc, thì đã có một số doanh nghiệp tự tin tuyên bố cạnh tranh trực diện với Google trên thị trường Việt.
Ông Johan Segergren nói: "Không biết năng lực của doanh nghiệp Việt Nam thế nào, nhưng việc một số công ty, doanh nghiệp vô cùng tự tin, muốn cạnh tranh trực tiếp với Google làm tôi thấy rất là ấn tượng. Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp đó cũng có tư duy theo kiểu Google là tư duy vươn tới đỉnh cao. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, hợp tác với các công ty này. Chúng tôi biết rõ là rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở Việt Nam đã có tiến bộ rất lớn trong ngành kỹ thuật số, CNTT và đã đạt được những thành tựu tuyệt vời. Nếu một công ty nào đó có thể cạnh tranh được với Google thì tôi xin vỗ tay hoan hô. Tuy nhiên, trong lĩnh vực CNTT các doanh nghiệp không nên chỉ tính chuyện cạnh tranh với các đối thủ ở phạm vi thị trường trong nước mà cần tính xa hơn tới câu chuyện cạnh tranh quốc tế, cạnh tranh với các đối thủ đến từ các quốc gia khác như Singapore, Thái Lan, Philippines, Mỹ, Anh,...".
Ông Johan Segergren cũng không quên lưu ý người dùng sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số, ứng dụng CNTT tại Việt Nam: "Xu hướng mua sản phẩm nội địa do các công ty nội địa làm ra là một xu hướng tốt, song khi lựa chọn nên cân nhắc chọn những công cụ, ứng dụng có tính cạnh tranh toàn cầu, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ quốc tế".
|
Google đang sở hữu tới 50.000 nhân viên trên toàn cầu với 50.000 bộ óc không ngừng sáng tạo ra những ứng dụng, công nghệ mới. Ảnh: Internet.
|
Như ICTnews đã đưa tin, thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam "gây sốc" dư luận khi tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Google. Chẳng hạn tháng 6/2013, trong công bố về việc trở thành công ty Việt Nam đầu tiên lọt danh sách Cool Vendors toàn cầu của Gartner, lãnh đạo Bkav tiết lộ dự kiến đến quý 3/2013 sẽ ra mắt một số dịch vụ có khả năng thay thế và cạnh tranh với các dịch vụ của Google.
Hoặc gần đây nhất, tháng 1/2014, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp) Vương Vũ Thắng khẳng định VCCorp đang cạnh tranh trực diện với Google, Facebook tại Việt Nam trên quy mô, sản phẩm, công nghệ quảng cáo và các kênh bán hàng nội địa. 4 năm qua, VCCorp đã hợp tác với 210 báo điện tử, trang tin ở Việt Nam tạo nên sức mạnh bó đũa, hiện quy mô gấp 1,5 lần Google, và 2 lần Facebook tại Việt Nam.
Ngay sau khi những phát ngôn mạnh miệng nêu trên được công bố, rất nhiều ý kiến từ dư luận đã bày tỏ sự hoài nghi về khả năng hiện thực hóa giấc mơ "cạnh tranh thành công với Google" của doanh nghiệp Việt. Thậm chí có ý kiến khẳng định doanh nghiệp nội không có "cửa" nào để cạnh tranh trực diện được với Google, bởi trước đó, với những hướng phát triển "ngách" như tìm kiếm địa điểm, các doanh nghiệp Việt Nam đều đã làm nhưng không ăn thua. Các thông điệp kiểu như "qua mặt Google" chỉ mang tính PR cho sản phẩm, doanh nghiệp.
Nhìn một cách khách quan, Google không phải là "thành trì bất khả chiến bại". Trên thế giới, Google cũng đã từng phải "chịu thua" Yandex ở Nga hoặc NHN ở Hàn Quốc. Còn tại Trung Quốc, Baidu cũng đã thắng thế Google khi Chính phủ nước này hậu thuẫn bằng cách "chặn" Google.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam không dễ gì có thể làm được chuyện tương tự. Nhất là giờ đây, khi Google đang tuyên bố theo đuổi mục tiêu chiến lược 10x – nhân gấp 10 lần về quy mô doanh nghiệp trong một thời gian ngắn, thay vì chỉ cố gắng cải thiện quy trình kinh doanh để tăng hiệu quả, năng suất hoạt động lên khoảng 10% như nhiều công ty khác đang thực hiện. "Google rất tự tin vào khả năng hiện thực hóa chiến lược 10x này bởi đang sở hữu tới 50.000 nhân viên trên toàn cầu, và đây là 50.000 bộ não sáng tạo không ngừng nghỉ", ông Johan Segergren tự hào nói. Liệu doanh nghiệp Việt Nam nào hiện tại có được tiềm lực như thế?
Theo Ictnews.vn