Học như... Tây!
Sảnh nhà mới của Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM cơ sở Nguyễn Văn Cừ luôn có nhiều sinh viên nhưng lại không ồn ào như những nơi khác. Đơn giản vì đây là nơi có thể truy cập Internet không dây bằng các thiết bị có hỗ trợ wifi. Hầu hết các bạn sinh viên ở đây đều say sưa với chiếc laptop của mình. Họ lướt web, học tập, trao đổi thông tin kiến thức, nghe nhạc, giải trí... bằng laptop.
Hoàng Phúc, sinh viên năm 2, cho biết: “Mình học về công nghệ thông tin nên rất cần có một máy tính, với lại trường có sẵn wifi nên mình đã xin gia đình cho mua máy tính xách tay ngay từ đầu năm học để phục vụ việc học tập”. Với “người bạn đồng hành” này, cách học của Phúc đã có nhiều thay đổi.
Nếu trước kia, việc học tập, cập nhật các kiến thức khá khó khăn và mất nhiều thời gian thì giờ đây mọi thứ đã nhanh chóng hơn rất nhiều lần. Từ chỗ Phúc và các bạn của mình phải mệt mỏi mỗi khi thảo luận “chay” về bài tập nhóm hay tìm kiếm các tài liệu liên quan đến bài học thì bây giờ chiếc máy tính đã trở thành cầu nối giúp việc học tốt hơn rất nhiều.
“Phủ sóng miễn phí đến các trường đại học”
Bà Trương Nguyễn Thu Hà - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ di động FPT:
“Hiện nay, chương trình “phủ sóng miễn phí đến các trường đại học” của FPT đã được triển khai đến 20 trường đại học trên địa bàn TP.HCM. Các trường trên đều được FPT cung cấp miễn phí đường truyền và thiết bị phục vụ truy cập Internet không dây (sau sáu tháng sẽ bắt đầu thu phí đường truyền).
Các trường đại học đã được cung cấp dịch vụ wifi là những trường có liên quan đến công nghệ thông tin, có nhu cầu cao về sử dụng Internet hay có nhiều người sử dụng các thiết bị có thể truy cập Internet wifi.
Ngoài ra, các trường có nhu cầu cũng có thể liên hệ với FPT để được sử dụng chương trình “phủ sóng miễn phí đến các trường đại học”.
Hiện tại, do cơ sở hạ tầng của FPT mới chỉ có ở Hà Nội và TP.HCM nên chương trình chỉ có thể triển khai đến các trường đại học ở hai địa bàn trên”.
|
Đặc biệt, việc kết nối Internet ngay ở trường không những giúp các bạn sinh viên dễ dàng tìm kiếm các tài liệu, kiến thức bổ ích mà còn có thể truy cập vào mạng nội bộ của trường với những bài học, tài liệu tham khảo cho môn học của mình.
Còn với Hoàng Hải, Đại học RMIT, việc có thể truy cập Internet ngay trong khuôn viên trường và giảng đường đã đem đến cho Hải một phong cách học... chuyên nghiệp. Toàn bộ đồ dùng đi học của Hải, từ sách, vở, từ điển, tài liệu tham khảo... chỉ là một chiếc máy tính xách tay nhỏ gọn.
Hải cho biết: “Wifi cho phép mình có thể cập nhật ngay các thông tin cần thiết hay tài liệu liên quan đến chủ đề đang học một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, mình cũng có thể kiểm tra ngay các thông tin từ bài giảng của các thầy cô... Nói chung, wifi giúp việc học của mình trở nên hấp dẫn và thú vị hơn”.
Đến Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, wifi không chỉ được lắp đặt trong khuôn viên trường mà cả ở ký túc xá D (640 phòng).
Anh Nguyễn Hà, quản trị mạng của trường, cho biết: “Wifi được lắp đặt ở ký túc xá sẽ giúp các bạn sinh viên truy cập Internet ngoài giờ học ở trường, hơn nữa với các bạn chỉ có máy tính để bàn cũng có thể sử dụng Internet wifi bằng cách mua card kết nối”. Wifi đã trở thành động lực để những bạn đã có máy tính sẽ lo mua card kết nối không dây, còn những bạn chưa có máy tính thì phải chuẩn bị để “tậu” ngay một cái.
Tốt nhiều, xấu cũng không ít!
Wifi trong các trường đại học bên cạnh những lợi ích mang đến cho sinh viên trong việc học tập, giải trí thì nó cũng là nguyên nhân cho những sa sút của các bạn sinh viên. H., sinh viên năm 1, ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết: “Trong giờ học, nếu thấy thầy cô giảng bài chán quá thì chat, chơi game”.
Với cách hành xử như vậy của nhiều bạn sinh viên, giờ học biến thành giờ chơi, giờ chơi lại chơi nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, các loại văn hóa đồi trụy trong “thế giới ảo” luôn có sức hấp dẫn rất lớn đối với giới trẻ. Nếu không làm chủ được mình lại có điều kiện tiếp xúc thường xuyên, họ sẽ rất dễ bị lôi cuốn. Và điều kiện học tập hiện đại lúc này lại là con đường dẫn các bạn xa dần giảng đường đại học...
Theo Tuổi trẻ