|
VNPT sẽ không được thay đổi nhân sự trước khi tiến hành tái cơ cấu.
|
Ngày 16/4/2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ký công văn số 1085/BTTTT-TCCB yêu cầu VNPT và MobiFone phải giữ nguyên hiện trạng tổ chức bộ máy, nhân sự lãnh đạo, cơ sở vật chất, mạng lưới cho đến khi triển khai Đề án Tái cơ cấu VNPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu trong trường hợp cần có sự thay đổi về các nội dung trên, VNPT, MobiFone phải báo cáo Bộ TT&TT để xin ý kiến trước khi thực hiện.
Trước đó, ngày 08/4/2014, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã chủ trì Hội nghị thông báo kết quả Phiên họp ngày 31/3/2014 của Thường trực Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cần tổ chức lại các đơn vị thuộc VNPT để cả các đơn vị tách ra lẫn những đơn vị ở lại đều phát triển mạnh hơn sau tái cơ cấu; trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, kiên quyết không để gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ, đào tạo, điều dưỡng, khám chữa bệnh… của VNPT cũng như của các đơn vị được chia tách. VNPT khẩn trương xây dựng phương án bàn giao nguyên trạng MobiFone và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ VNPT về Bộ TT&TT quản lý.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Đề án khẩn trương xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa MobiFone để thực hiện trong năm 2014. Ban chỉ đạo Đề án chỉ đạo Học viện xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động mới của Học viện; đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động để công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học ngày một tốt hơn theo hướng bảo đảm cân đối thu chi, không sử dụng ngân sách nhà nước. Đối với các bệnh viện, bệnh viện điều dưỡng, các trường trung học bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin đang thuộc VNPT: Ban chỉ đạo Đề án khẩn trương làm việc, thống nhất với các địa phương liên quan về việc điều chuyển nguyên trạng các đơn vị này về các địa phương quản lý, xây dựng phương án để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng yêu cầu VNPT khẩn trương xây dựng phương án đổi mới, tổ chức lại phần còn lại sau khi chia tách để bảo đảm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; xem xét hợp nhất các đơn vị trực thuộc VNPT có ngành nghề kinh doanh tương đồng để giảm bớt đầu mối; đẩy mạnh việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các đơn vị thuộc VNPT và các đơn vị không thuộc VNPT để tránh đầu tư lãng phí.
Trong quá trình tổ chức lại, cả VNPT và MobiFone cần đặc biệt chú ý làm tốt các khâu: Khẩn trương tổ chức lại bộ máy theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Sắp xếp nhân sự (điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, thay đổi vị trí công tác…) bảo đảm bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, bố trí đúng người, đúng việc.
Phát biểu tại Hội nghị thông báo kết quả Phiên họp ngày 31/3/2014 của Thường trực Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấuVNPT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chia sẻ rằng về mặt tâm tư tình cảm và kể cả về mặt kinh tế thì VNPT sẽ không muốn tách mạng nào ra cả. Đây là sự hi sinh lớn của tập đoàn. Thực tế khi tách VinaPhone hay MobiFone ra thì VNPT sẽ bị yếu đi. Nhưng VNPT không thể không thực hiện vì luật quy định sẽ không được sở hữu 2 mạng di động. Một bài toán là tách mạng di động nào ra mà vẫn có thể phát triển được là vấn đề mà cả VNPT và cơ quan quản lý phải tính toán. Nếu tách VinaPhone ra cũng sẽ khó khăn bởi mạng lưới và kinh doanh của VinaPhone gắn chặt với các viễn thông tỉnh. Vì vậy, phương án tách MobiFone là phù hợp để tạo thị trường cạnh tranh ở thế VinaPhone - MobiFone - Viettel.
Theo Ictnews.vn