Theo Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 32 cơ sở dữ liệu có tên là cơ sở dữ liệu quốc gia được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Thủ tướng trở lên, 10 cơ sở dữ liệu khác được đề cập trực tiếp trong luật. Các tiêu chí để xác định cơ sở dữ liệu quốc gia theo khảo sát của Cục Tin học hóa gồm: Lưu trữ thông tin quốc gia, có quy mô lớn, tầm quan trọng ảnh hưởng đến chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; Dữ liệu được dùng chung chia sẻ giữa các Bộ, ngành, địa phương; Có phạm vi, đối tượng, thuộc tính dữ liệu phủ rộng toàn quốc; Làm hạ tầng thông tin, tạo nền tảng cho các hệ thống thông tin khác hoạt động, phát triển.
Các đại biểu tham dự phiên họp đã tập trung thảo luận những cơ sở dữ liệu quốc gia nào (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doamh nghiệp, tài chính, đất đai, thông tin thống kê kinh tế - xã hội) sẽ được ưu tiên triển khai giai đoạn 2015-2020 do những khó khăn về kinh phí từ ngân sách nhà nước, trong đó có ngân sách dành cho lĩnh vực CNTT. Đây là sự chọn lựa khó khăn vì các Bộ ngành hiện đang xây dựng nhiều cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ. Chỉ riêng Bộ Tài nguyên môi trường đã có một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã được phê duyệt như: cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên môi trường, về đất đai, tài nguyên nước, về thông tin địa lý.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho rằng Hội đồng Giám đốc Công nghệ thông tin thảo luận để có các báo cáo tư vấn, tham mưu cho Chính phủ chọn cơ sở dữ liệu quốc gia nào để ưu tiên bố trí kinh phí, chỉ nên chọn từ 3-5 cơ sở dữ liệu quốc gia để khuyến nghị. Tuy nhiên, những cơ sở dữ liệu quốc gia tuy không nằm trong danh mục nhưng đã được phê duyệt và đang triển khai thì cứ tiếp tục triển khai.
Ngoài ra, tại phiên họp, cũng có một số ý kiến trao đổi về cơ chế thuê ngoài dịch vụ CNTT, mô hình tổ chức đơn vị chuyên trách CNTT tại các cơ quan Bộ.
Cũng tại phiên họp, ông James SL Wong, chuyên gia cao cấp của Cisco khu vực châu Á Thái Bình Dương đã trình bày về vai trò của chính phủ điện tử.