Chủ nhật, 12/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 04/03/2014
"Không để doanh nghiệp kêu mãi thành bức xúc"

 Đã 6 tháng trôi qua kể từ khi khu tiểu thủ công nghiệp của doanh nghiệp vừa và nhỏ Cầu Giấy được công nhận trở thành khu công nghệ cao tập trung Cầu Giấy, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong khu vẫn chưa được hưởng những điều kiện và ưu đãi mà đáng lý họ được nhận theo đúng tinh thần của Nghị định 154. 

 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại cuộc làm việc với các doanh nghiệp ở Khu CNTT tập trung Cầu Giấy (Ảnh: ictnews)

Tính tới thời điểm này, khu CNTT Cầu Giấy có diện tích 8,35 ha, bao gồm 36 tòa nhà văn phòng và tổng số 306 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 11.000 lao động. Có 85 doanh nghiệp chuyên về CNTT, trong đó có cả những thương hiệu hàng đầu như FPT, Viettel, CMC, Misa, Hài Hòa....
 
Bình luận về mô hình khu công nghệ cao tập trung Cầu Giấy, ông Nguyễn Nhật Quang, Chủ tịch HĐQT công ty phần mềm Hài Hòa nhấn mạnh rằng đây là một mô hình ưu việt khi Nhà nước chưa phải "tốn một đồng nào đầu tư" mà đã vẫn có được một khu công nghiệp tập trung theo concept mở. Tuy nhiên, dù đã được Bộ TT&TT công nhận khu công nghệ cao tập trung Cầu Giấy từ tháng 8/2013 nhưng các doanh nghiệp tại đây vẫn chưa được thụ hưởng những ưu đãi và chính sách hỗ trợ theo đúng tinh thần của Nghị định 154.
 
"Sở Tài chính vẫn đến xác nhận giá đất, thanh tra môi trường vẫn đến kiểm tra xem chúng tôi có sử dụng đất đúng mục đích không? Phòng FDI của Sở Kế hoạch & Đầu tư từ chối các đơn xin xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, dù việc xúc tiến thương mại này là doanh nghiệp đã "làm hộ" Nhà nước", ông Quang chỉ ra những bất cập vẫn còn tồn tại hiện nay.
 
Chính vì thế, trong buổi làm việc cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cùng lãnh đạo Thành phố Hà Nội chiều 24/2, ông Quang tuyên bố những doanh nghiệp như ông "không dám xin thêm ưu đãi" mà chỉ quan tâm xem những ưu đãi đã có trong Nghị định sẽ được áp dụng ra sao. Để minh chứng cho một sự "éo le" mà các doanh nghiệp đang phải chịu, ông Quang cho biết trong Nghị định quy định gia công phần mềm được hưởng ưu đãi, trong khi thiết kế phần mềm là công việc cao cấp hơn, đòi hỏi hàm lượng chất xám cao hơn lại bị cơ quan Thuế xếp vào nhóm "Không phải gia công phần mềm" nên không được ưu đãi.
 
Để tình trạng này không tái diễn trong tương lai, vị Giám đốc công ty Hài Hòa kiến nghị Bộ TT&TT sớm đưa ra định nghĩa cụ thể thế nào là sản xuất phần mềm và về nguyên tắc, mọi hoạt động liên quan đến sản xuất phần mềm cần được ưu đãi theo những mức độ khác nhau. Những hoạt động không được hưởng ưu đãi như với sản xuất phần mềm thì chí ít cũng phải được thụ hưởng như hoạt động công nghệ cao, vì bản chất CNTT đã là công nghệ cao rồi, ông Quang nhấn mạnh.
 
Chia sẻ bức xúc này của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đồng tình rằng các văn bản pháp luật nhiều khi chưa đủ rõ ràng, tường minh, khiến cho các cơ quan không chuyên về công nghệ như cơ quan thuế áp dụng có phần hơi cứng.
 
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng mong doanh nghiệp cảm thông với cơ quan quản lý, bởi khu công nghệ tập trung Cầu Giấy là khu công nghệ cao đầu tiên tại Hà Nội, chưa có mô hình nào tương tự trước đây "làm tiền lệ để học tập". Việc triển khai đang bị chậm và vướng ở nhiều khâu, khi các sở đều đang có tình trạng "đợi nhau ra văn bản" rồi mới bám vào đó để thực thi công việc thuộc chuyên môn, thẩm quyền của mình. Riêng Sở TT&TT cho biết kế hoạch triển khai cụ thể Sở đã xây dựng xong, duy chỉ có khâu mô hình quản lý là còn lúng túng, vướng mắc, phân vân giữa việc nên thành lập Ban quản lý của riêng dự án CNC Cầu Giấy, hay một Ban Tổng quản lý các dự án CNC trên toàn địa bàn Hà Nội.
 
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng vụ CNTT (Bộ TT&TT) khẳng định việc một số sở nói chưa có chính sách về ưu đãi, hỗ trợ là không đúng. Trên thực tế, với Nghị định 71 và Nghị định 154, chúng ta đã có đầy đủ chính sách quy định về khu công nghệ cao tập trung. Cụ thể, chính sách ưu đãi về thuế, đất đã được quy định rất rõ trong chương 5 của Nghị định 154, do vậy, một lần nữa bài toán lại quay trở về việc ứng dụng chính sách thực tế mà thôi.
 
Riêng kiến nghị của doanh nghiệp về việc định nghĩa sản xuất phần mềm, ông Đường đồng tình rằng Nghị định 71 có nhắc đến lĩnh vực này nhưng chưa rõ. Hiện Vụ CNTT đang hoàn thiện thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 71 và đang tiến hành lấy ý kiến các Sở, Cục địa phương, Tổng cục Thuế...Tuy vậy, chờ được thông tư ra đời cũng phải mất 4-5 tháng. Trong thời gian chờ này, lãnh đạo Bộ đã cho phép xác nhận từng doanh nghiệp đơn lẻ có hội đủ tiêu chuẩn về sản xuất phần mềm hay không để họ kịp quyết toán thuế.
 
Trước phân tích từ tất cả các bên, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc đã yêu cầu các Sở trực thuộc Thành phố phải xem lại và rút kinh nghiệm, bởi những vướng mắc, khó khăn đang gặp phải xuất phát từ phía chủ quan nhiều hơn là khách quan. "Bộ TT&TT ở rất gần, luôn sẵn sàng hỗ trợ nên các Sở vướng gì là phải hỏi ngay", Phó Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo kiên quyết. "Những phản ánh hôm nay của doanh nghiệp mới là ý kiến, là kiến nghị nhưng để lâu thì sẽ thành bức xúc".
 
Bà Ngọc cũng yêu cầu Sở Kế hoạch & Đầu tư phải chủ trì, triển khai ngay các cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp theo Nghị định 154 và chậm nhất ngày 5/3 sẽ phải trình lên Ủy ban Thành phố kế hoạch triển khai. "Ít nhất thì cũng phải trình những nội dung triển khai được, không đợi dồn thành một cục", bà nhấn mạnh.
 
Đáp từ tinh thần quyết liệt từ phía lãnh đạo thành phố, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định thành phố đã rất quan tâm và đầu tư kinh phí lớn cho sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn. Khu công nghệ cao Cầu Giấy gần như là một "sự phát triển tự phát", như lời Bộ trưởng, khi các doanh nghiệp trong làng gọi nhau, "rủ nhau" tập trung về đây để kinh doanh, hoạt động, kết nối. Đây là một sự phát triển đúng hướng, dựa trên sự năng động của bản thân các doanh nghiệp công nghệ. Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là phải làm sao quảng bá, lôi kéo được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khác đến với khu CNC Cầu Giấy.
 
Đồng thời, các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thiện bộ máy ban quản lý khu cho đúng với tầm cỡ Thành phố. "Chúng tôi rất chia sẻ với tâm lý của doanh nghiệp là cái gì cũng muốn rõ ràng ngay để còn kinh doanh, còn vận hành. Nhưng khu CNC Cầu Giấy được công nhận đúng vào thời điểm giao thời giữa hai Nghị định, lại vướng Tết nên việc triển khai vẫn phải làm theo từng bước", Bộ trưởng chia sẻ thẳng thắn. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tích cực phổ biến, tuyên truyền về Nghị định 154, soạn thảo thông tư hướng dẫn, đặc biệt là quy định rõ các chính sách, ưu đãi cho doanh nghiệp để tránh tình trạng "nhùng nhằng" hiện nay tiếp diễn.
 
Trong đó, Bộ đặc biệt đề nghị Thành phố tiến hành ngay những ưu đãi đã được lượng hóa cụ thể như ưu đãi về điện, nước, viễn thông; giảm 50% tiền thuê đất hay được áp dụng thuế suất doanh nghiệp 10% trong 5 năm đầu, theo đúng quy định của luật.
  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0