Tại Tọa đàm "CNTT-TT Việt Nam: Cơ hội và thách thức" do Hội Tin học Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT bày tỏ sự băn khoăn trước hiện trạng CNTT-TT Việt Nam vẫn phát triển chậm dù có rất nhiều cơ hội như đã có ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước với hàng loạt văn bản như Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Nghị quyết số 13 về phát triển hạ tầng đồng bộ trong đó coi CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng, đích thân Thủ tướng đã phát biểu chỉ đạo rằng phải coi CNTT-TT là phương thức phát triển mới của đất nước và mới đây Thủ tướng đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng đứng đầu...
"Tôi muốn nói về tư duy và trách nhiệm của những người tổ chức thực hiện, trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan quản lý. Về cơ chế, tôi băn khoăn kinh khủng. Ta làm cái gì cũng bị chậm trễ, từ nhận thức đến hành động quá lâu. Chậm đến mức bây giờ ta làm nhanh thì người ta nghĩ mình tiêu cực. Trong lĩnh vực này, chúng ta muốn làm nhanh nhưng không làm được. Nhiều khi báo cáo lên việc xử lý rất chậm trễ. Khuyết điểm bao trùm bộ máy công quyền Việt Nam là chậm trễ", TS. Lê Doãn Hợp thẳng thắn nhận định.
TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh: "Rào cản từ trước tới nay vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Vẫn có nhiều người không muốn làm, nhất là các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, do không thấy được tác động mạnh của CNTT-TT có thể thúc đẩy hoạt động của mình và cũng một phần do lo ngại ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân, chẳng hạn làm sách giáo khoa điện tử miễn phí sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của việc bán sách giấy".
TS. Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, chia sẻ thêm: "CNTT-TT Việt Nam có rất nhiều cơ hội nhưng đồng thời thách thức cũng rất lớn. Do suy thoái kinh tế, nhiều khoản chi tiêu bị cắt giảm. Nghiên cứu và đầu tư cho CNTT-TT bị giảm sút. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT rất khó khăn trong quá trình phát triển".
|
Chậm trễ trong khâu tổ chức thực hiện là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển CNTT-TT Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Để thúc đẩy sự phát triển CNTT-TT Việt Nam trong thời gian tới, TS. Lê Doãn Hợp hiến kế: "Phải tiếp tục làm cuộc cách mạng về nhận thức, trước hết là nhận thức của lãnh đạo, những người làm quản lý tài chính, để họ hiểu rằng ném tiền vào CNTT-TT là đầu tư nở hoa, 1 đồng đầu tư sẽ tạo ra 10 đồng hiệu quả".
Còn theo TS. Bùi Mạnh Hải: "Hiện ngành CNTT-TT vẫn chưa có được vị trí xứng đáng trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia nên không số liệu chính xác để so sánh với quốc tế xem chúng ta đang ở đâu, nguồn nhân lực phần mềm, hạ tầng viễn thông - Internet, cơ chế chính sách thế nào. Hiện tất cả các chỉ tiêu thống kê này đều có số liệu rất khập khiễng. Muốn CNTT-TT phát triển thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn, hạ tầng của hạ tầng, phương thức phát triển mới thì phải có hệ thống chỉ tiêu thống kê hết sức nghiêm chỉnh, cụ thể, chính xác để có chính sách phù hợp".
Ở góc độ một chuyên gia về phần mềm nguồn mở, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam lưu ý: "Ngày nay có rất nhiều thứ dính dáng đến chữ "mở" như tài liệu nguồn mở, học liệu mở, phần cứng mở, giáo dục mở, học trình trực tuyến mở... và gần đây đang phát triển mạnh khái niệm sáng tạo mở (là phương thức sáng tạo dựa trên chia sẻ và sự hợp tác giữa các công ty thông qua bằng sáng chế, giấy phép và dựa trên nền tảng đạo đức). Quan sát thành công về CNTT-TT của một số nước trong khu vực, chúng tôi cho rằng nguồn mở, sáng tạo mở đang là cơ hội hàng đầu, nếu không nói là cơ hội duy nhất để tạo bước đột phá, bước nhảy vọt cho CNTT-TT Việt Nam nhằm hiện thực hóa tham vọng rất lớn là đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT trong 5 - 10 năm tới. Nếu quay lưng với nguồn mở, sáng tạo mở thì dù cố đến đâu chúng ta cũng sẽ chỉ là kẻ đi theo, không bao giờ tạo được bản sắc riêng, không bao giờ thoát khỏi sự lệ thuộc mà chúng ta đã, đang và sẽ phải tiếp tục nếm trải".
Theo Ictnews.vn