Cơ hội rất lớn
Tại Tọa đàm "CNTT-TT Việt Nam: Cơ hội và thách thức" do Hội Tin học Việt Nam tổ chức mới đây, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho biết, tiếp theo làn sóng thứ nhất là gia công phần mềm bắt đầu từ 15 năm trước và đã có nhiều thành công nhất định, 1 - 2 năm gần đây bắt đầu xuất hiện làn sóng thứ hai là xuất khẩu giải pháp, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, đưa trí tuệ Việt, bản quyền của người Việt ra nước ngoài.
Rất nhiều người nghĩ rằng phần mềm Việt Nam khó "đi ra biển lớn", tuy nhiên, ông Đỗ Cao Bảo khẳng định việc xuất khẩu giải pháp, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt hoàn toàn khả thi và có nhiều cơ hội.
Chủ tịch FPT IS cho biết: "Chúng tôi bắt đầu khởi động hoạt động xuất khẩu giải pháp, dịch vụ CNTT mấy năm gần đây, lúc đầu rất khó khăn vì Việt Nam là quốc gia nghèo, nhiều nước còn cho rằng chúng ta đẳng cấp dưới họ nên khó chấp nhận phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam. Nhưng cứ kiên trì thì đến nay đã bắt đầu có kết quả. Giải pháp phần mềm viễn thông của FPT IS sau khi được sử dụng bởi hầu hết các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam như Viettel, VMS, VinaPhone, GTEL, Vietnam Mobile... giờ đã được cung cấp cho 5 nhà mạng ở Lào, 5 nhà mạng ở Campuchia, 1 nhà mạng ở Myanmar và 1 nhà mạng ở Malaysia. Tổng doanh thu từ khách hàng ngoại khoảng 15 triệu USD. Phần mềm quản lý thuế trên nền công nghệ SAP đã triển khai thành công cho Bộ Tài chính Việt Nam, đang có khả năng đem lại cơ hội thắng thầu cho FPT IS (làm thầu phụ cho 1 liên doanh dự thầu) trong 1 dự án khoảng 400 triệu USD ở khu vực ASEAN, ngoài ra còn 2 dự án khác mỗi dự án khoảng 8 triệu USD ở khu vực Nam Á. Phần mềm cấp phát ngân sách quản lý thu do FPT IS cùng với IBM làm cho Bộ Tài chính cũng đã triển khai thành công tại Việt Nam, tạo điều kiện để FPT IS thắng thầu dự án nhỏ tương tự ở Campuchia trị giá gần 10 triệu USD. Một số nước ở khu vực ASEAN, châu Phi và Mỹ La tinh đang có nhu cầu triển khai phần mềm này. Giải pháp cho bệnh viện của FPT IS có rất nhiều cơ hội ở Campuchia, Indonesia, Senegal, Kenya,... Hoặc giải pháp ERP của FPT IS cũng đã thu hút sự quan tâm của một doanh nghiệp ở ASEAN, hai bên sắp sửa ký dự án trị giá khoảng 1 triệu USD".
"Từ tháng 7/2013, cơ hội xuất khẩu giải pháp, dịch vụ CNTT của FPT IS bắt đầu bùng nổ. Trước đó cơ hội rất ít, mỗi năm chỉ có cơ hội đạt doanh thu khoảng 5 - 8 triệu USD, nhưng đến tháng 7/2013 bắt đầu nhận được cơ hội khoảng 50 triệu USD, sau đó tiến liên tục lên 70 triệu USD vào tháng 9, rồi 90 triệu USD vào tháng 11 và 120 triệu USD vào tháng 12. Sang năm 2014, chỉ tính đến 21/2, chúng tôi đã thắng thầu trên 15 triệu USD, dự kiến hết năm có thể đạt được hơn 150 triệu USD", ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ thêm.
|
Xuất khẩu giải pháp, dịch vụ phần mềm thương hiệu Việt đem lại giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều lĩnh vực xuất khẩu khác như may mặc, giày da... Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Với trải nghiệm của người tự nhận là đi tiên phong trong làn sóng thứ hai về xuất khẩu CNTT Việt Nam, lãnh đạo FPT IS khẳng định cơ hội cho các doanh nghiệp Việt rất lớn. "Chúng ta cứ tưởng chỉ riêng mình tự ti hèn kém, không dám ra nước ngoài nhưng hóa ra các nước xung quanh cũng thế. Bằng chứng là đi đấu thầu khắp Lào, Campuchia, Myanmar, Philipines... đều không gặp công ty nào ở ASEAN, chỉ có một số công ty địa phương ở nước sở tại, còn lại là các công ty của Mỹ, Châu Âu, nhóm công ty Ấn Độ (Infosys, TATA,...), Hàn Quốc (LG, Samsung, Hyundai, Daewoo), Trung Quốc (Huewei, ZTE). Đã có dự án tại khu vực ASEAN mà chỉ duy nhất FPT là doanh nghiệp ở ASEAN có thể đáp ứng tiêu chí dự thầu về việc có kinh nghiệm triển khai dự án tương tự", ông Bảo nói.
Cần Chính phủ, doanh nghiệp trong nước "tiếp lửa"
Tuy nhiên, để việc xuất khẩu giải pháp, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt ra nước ngoài được "thuận buồm xuôi gió", các doanh nghiệp CNTT như FPT cần phải có sự cổ vũ, hậu thuẫn từ chính thị trường trong nước, tạo nên những minh chứng thành công cụ thể, điển hình để nâng cao uy tín của doanh nghiệp, giải pháp, dịch vụ CNTT Việt Nam đối với khách hàng nước ngoài.
"Phần mềm, giải pháp nào làm tốt ở Việt Nam và theo chuẩn quốc tế thì sẽ làm tốt được ở nước ngoài. Doanh nghiệp CNTT chúng tôi cần sự tin cậy giao việc, giao hợp đồng của cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ, ngành và các khách hàng trong nước, tiếp sức mạnh, ý chí, khát vọng cho chúng tôi vững bước ra nước ngoài, lấy hợp đồng về, mang thêm ngoại tệ về cho đất nước. Nếu khách hàng Việt Nam và các cơ quan quản lý ở Việt Nam tin tưởng giao cho chúng tôi hợp đồng phần mềm, dịch vụ cỡ khoảng 1 triệu USD thì chúng tôi cam kết có thể đem về cho đất nước số ngoại tệ lớn gấp 5 lần. Tôi muốn ví việc Chính phủ và khách hàng trong nước giao việc cho FIS giống như đốt đuốc, truyền lửa cho FIS cầm ngọn đuốc đó chạy khắp thế giới, đến nước nào thì truyền tiếp và truyền lửa khát vọng, ý chí của người Việt chinh phục thế giới thông qua giải pháp, dịch vụ phần mềm thương hiệu Việt", ông Bảo chia sẻ thêm với ICTnews.
Cần lưu ý, đa số doanh số xuất khẩu của Việt Nam hiện nay có từ các ngành nghề về gia công như may mặc, giày da..., giá trị gia tăng không cao. "Ước lượng giá trị mà người Việt Nam đóng góp trong các ngành may mặc, giày da... chỉ khoảng 10% doanh thu, còn lại 90% là nhập khẩu từ nơi khác về. Riêng với phần mềm, giải pháp CNTT, nếu chúng ta xuất khẩu được thì giá trị gia tăng đạt tới khoảng 90% (chỉ phải chi khoảng 10% để mua máy tính làm việc). Quy ra đô la thì doanh thu của các ngành khác có thể nhiều hơn, nhưng quy ra giá trị gia tăng thì chỉ cần 100 triệu USD xuất khẩu phần mềm, dịch vụ cũng đem lại giá trị gia tăng tương đương với việc xuất khẩu 1 tỷ USD của ngành khác", Chủ tịch FPT IS nhấn mạnh.
Theo Ictnews.vn