Bức xúc này của ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Công viên phần mềm Quang Trung, đã nhận được nhiều sự đồng cảm từ các chuyên gia cũng như cử tọa tham dự Tọa đàm "CNTT Việt Nam: Cơ hội và thách thức", diễn ra chiều 21/2 tại Hà Nội.
Giám đốc một doanh nghiệp công nghệ thừa nhận rằng, làm với thị trường quốc tế đang dễ thở hơn so với thị trường trong nước, và điều đáng lo ngại là ngày càng nhiều doanh nghiệp có chung cảm nhận đó với ông. "Nói khách hàng nội không tin chúng tôi thì không đúng, nhưng thuyết phục được họ đầu tư cả một công cuộc phức tạp, lâu dài, tốn nhiều thời gian, công sức", vị này chia sẻ.
|
Ông Đỗ Cao Bảo - Chủ tịch FIS
|
Trước đó, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch FIS, chia sẻ rằng làn sóng xuất khẩu phần mềm, giải pháp Việt ra nước ngoài chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ 1-2 năm gần đây nhưng đang có xu hướng mạnh dần lên. "Các vị hỏi cơ hội có không thì câu trả lời là Có, nhất là tại những thị trường như Campuchia, Myanmar, Philippine, Indonesia". Cũng theo lời ông Bảo thì cơ hội đến với FIS chỉ thực sự rộng mở từ tháng 7/2013 khi giá trị hợp đồng tiềm năng mà các cơ hội xuất ngoại đem lại cán mốc 50 triệu USD. Hiện tại, các dự án mà FIS đang theo đuổi (tham gia đấu thầu hoặc mới qua được vòng đầu) đang có tổng giá trị khoảng 200 triệu USD. Trong số này, ông Bảo kỳ vọng FIS có thể thắng thầu khoảng 1/4, tương đương 50 triệu USD trong năm 2014.
Vị chủ tịch của FIS tin rằng xuất khẩu phần mềm, tiến ra các thị trường quốc tế là hướng đi mà các doanh nghiệp công nghệ Việt nên lựa chọn lúc này, cũng như là hướng đi mà Chính phủ nên khuyến khích, hỗ trợ bởi giá trị gia tăng mà nó mang lại cho đất nước cao vượt trội so với việc gia công sản phẩm đơn thuần. Với nhiệm vụ gia công, Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu, trong khi xuất khẩu sẽ tạo ra giá trị lên tới 90% cho Việt Nam, ông Bảo phân tích. Nói cách khác, chỉ cần xuất khẩu 100 triệu USD sản phẩm CNTT thì sẽ tương đương với gia công 1 tỷ USD cho nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh việc lợi nhuận thu về cao hơn thì FIS còn có những lý do khác khi đem chuông đi đánh xứ người. Tâm sự riêng với VietNamNet, ông Bảo cho rằng nền kinh tế nhìn chung vẫn sẽ tiếp tục khó khăn trong năm nay và tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ các thị trường quốc tế dường như là sự lựa chọn hợp lý, logic, tất yếu cho những doanh nghiệp lớn lúc này. Ta có thể bắt gặp niềm tin đó không chỉ ở riêng FPT mà còn ở một Tập đoàn lớn khác là Viettel, doanh nghiệp vừa nâng tổng số quốc gia đầu tư lên con số 7.
Cũng có mặt tại cuộc Tọa đàm, ông Nguyễn Trung Chính - Tổng Giám đốc Công ty CMC, lại chỉ ra một khía cạnh khác trong hiện tượng "bụt chùa nhà không thiêng". Theo đó, nhiều thị trường, điển hình như viễn thông, đang không có được sự cạnh tranh thực sự lành mạnh khi doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 94% doanh thu toàn thị trường. "Đó là một môi trường cạnh tranh không hoàn hảo", như cách dùng từ của ông Chính, và không có nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp tư nhân như CMC chen chân vào.
Cần một cam kết
Rõ ràng, thị trường Việt Nam vẫn là một thị trường tốt, nhiều cơ hội tăng trưởng và chưa có dấu hiệu bão hòa. Nhưng tại sao doanh nghiệp Việt không vào được thì mãi là điều trăn trở của các chuyên gia, đại diện các Hội cũng như bản thân cơ quan hoạch định chính sách là Bộ TT&TT.
Việc Bộ xây dựng Đề án sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về công nghệ thông tin đã phản ánh rõ quyết tâm và ý chí của Chính phủ trong việc đẩy mạnh CNTT, tạo dựng được một ngành công nghiệp CNTT - Truyền thông mạnh tầm cỡ khu vực. Nhưng nói như Tiến sĩ Mai Liêm Trực thì hà cớ gì mà thị trường có, ý chí có, doanh nghiệp lại bó tay, không thể ngọ nguậy?
Phải chăng đó là vấn đề con người, khi Việt Nam không có đủ tài năng trẻ để phát triển công nghệ? "Tôi dám khẳng định đội ngũ nhân sự Việt rất giỏi, bất chấp chương trình đào tạo lạc hậu. Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông chính là minh chứng cho thấy giới trẻ Việt đã và đang tìm được những mô hình kinh doanh rất đơn giản nhưng đầy hiệu quả trong thế giới phẳng này", ông Trực phân tích.
Vậy thì rào cản chỉ còn nằm ở khâu thực thi, triển khai mà thôi. "Chính sách vẫn vướng, chưa thực sự hỗ trợ được doanh nghiệp. Thủ tướng, các phó Thủ tướng rất bận mà ta cứ nói mãi chung chung đạo lý, không đi được vào nội dung cụ thể thì rất khó ra được văn bản luật hiệu quả, sát với thực tế. Mà luật không đi thẳng vào chi tiết thì khâu tổ chức thực hiện sẽ tắc ngay. Bản thân nhiều người không muốn ứng dụng công nghệ mới, không muốn thuê doanh nghiệp trong nước, nhất là ở khối cơ quan nhà nước. Rồi lại phải xử lý bài toàn lợi ích cá nhân khi nhiều vị lãnh đạo chỉ muốn làm với nước ngoài để "giữ ghế", ông Trực chua xót.
Lời giải cho bài toán "sân nhà - sân khách", tựu chung lại, sẽ nằm ở hai chữ CAM KẾT.
Từ góc độ doanh nghiệp xuất ngoại, đó là kiểu cam kết: "Nếu Chính phủ tin tưởng giao cho chúng tôi dự án trong nước trị giá 10 đồng, chúng tôi có thể dựa vào uy tín đó, điều kiện đó đi "đấu xứ người" và mang về cho đất nước 5 đồng ngoại tệ", ông Bảo tuyên bố.
Đồng tình với ông Bảo, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho rằng bản thân doanh nghiệp phải mạnh dạn đề đạt với chính phủ về những hỗ trợ mình cần. "Nếu doanh nghiệp hứa rằng Chính phủ đầu tư 1 đồng, chúng tôi sẽ tạo ra 10 đồng cho Nhà nước thì Chính phủ mới yên tâm đầu tư được". Tất nhiên, quan điểm của Chính phủ luôn là lấy được tiền từ thế giới về thì càng phải khuyến khích, ông Hợp nhấn mạnh.
|
Ông Mike MacDonald - Giám đốc Công nghệ khu vực Đông Nam Á của Huawei
|
Chính phủ có thể tạo ra lợi thế rõ rệt cho doanh nghiệp nội thông qua tiêu dùng của Chính phủ, khi các dự án công lựa chọn gói thầu của doanh nghiệp trong nước, miễn là việc này không vi phạm các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, ông Vũ HoàngLiên, Chủ tịch Hiệp Hội Internet Việt Nam nhấn mạnh. "Cần có sự cam kết giữa sản xuất và tiêu dùng, với vai trò của Nhà nước đứng giữa. Nếu không có cam kết này thì không ai dám sản xuất, đầu tư mạnh tay mà hậu quả là sẽ không có sản phẩm tốt".
Chính phủ cũng có thể xem xét thành lập phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ thông tin, điện tử, đưa các sản phẩm công nghệ, điện tử xuất sắc vào danh sách sản phẩm trọng điểm quốc gia để khuyến khích, hỗ trợ kịp thời, đồng thời gây dựng thương hiệu cho những sản phẩm này tiến ra quốc tế.
Ông Mike MacDonald - Giám đốc Công nghệ khu vực Đông Nam Á của Huawei cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần có chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp CNTT nội địa, tạo những ưu đãi về thuế để thúc đẩy đầu tư trong những ngành kinh doanh mới như ứng dụng di động, game...
Theo Vietnamnet.vn