Theo ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, những năm gần đây, CNTT-TT Việt Nam có nhiều cơ hội lớn khi Chính phủ phê duyệt Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT (năm 2009), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 ban hành Nghị quyết số 13 xác định CNTT là hạ tầng (2012), Thủ tướng Chính phủ chính thức phát thông điệp “coi CNTT là nền tảng của phương thức phát triển mới” (2013).
Điểm lại những thành tựu đáng chú ý nhất của lĩnh vực CNTT-TT thì thấy tổng doanh thu công nghiệp và dịch vụ đạt mức cao gần 30 tỷ USD (trong đó đầu tư FDI chiếm 90%), nhiều doanh nghiệp CNTT - Viễn thông vượt ngưỡng doanh thu 1 tỷ USD, 100% cơ quan quản lý Nhà nước có cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến,..
Tuy nhiên việc “đổi mới quyết liệt” vẫn chỉ là một khẩu hiệu, trên thực tế chưa thấy có dấu hiệu tích cực của việc chuyển đổi nhận thức và hành động “coi CNTT là hạ tầng, là nền tảng phát triển”, nguồn đầu tư cho CNTT suy giảm, tốc độ tăng trưởng doanh thu của phần lớn doanh nghiệp đang theo chiều đi xuống, không còn tốc độ tăng cao tới 20 - 25% trước kia...
|
“CNTT-TT là hạ tầng, nền tảng phát triển” vẫn chỉ là khẩu hiệu; tốc độ tăng trưởng doanh thu của phần lớn doanh nghiệp đang theo chiều đi xuống. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Nhằm nhận diện đầy đủ hiện trạng của CNTT-TT Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam phối hợp với các hội, hiệp hội về CNTT-TT, các Bộ, ngành, doanh nghiệp cùng tổ chức Tọa đàm “CNTT Việt Nam: Cơ hội và thách thức” vào ngày 21/2/2014 tại Hà Nội.
Nội dung chính của Tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề CNTT-TT Việt Nam đang ở đâu, có những cơ hội gì, cần làm gì để CNTT-TT thực sự phát triển,… Qua đó sẽ có đề xuất, kiến nghị tới Đảng và Chính phủ về những định hướng phát triển ngành phù hợp, hiệu quả.
Tối cùng ngày sẽ diễn ra buổi giao lưu Gặp gỡ ICT Xuân Giáp Ngọ 2014 và Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Tin học Việt Nam.
Theo Ictnews.vn