Chủ nhật, 24/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 07/01/2014
Những chuyện lý thú về Tin học Việt Nam Nhân Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Tin học Việt Nam

Hội Tin học Việt Nam (VAIP - Vietnam Association for Information Processing) được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra quyết định thành lập số 312QĐ/HĐBT ngày 17/12/1988. Ngày 6/1/1989 Đại hội thành lập Hội Tin học Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội. Nhân 25 năm của sự kiện, có rất nhiều câu chuyện thú vị trong làng Tin học Việt Nam còn ít người biết đến. Chúng tôi xin cung cấp l cho quý vị độc giả một vài chuyện như vậy.

1. Thuật ngữ “Tin học” xuất  hiện ở Việt Nam như thế nào?

Theo lời kể của cố giáo sư Trần Lưu Chương, trước công tác tại Cục Máy tính UB KHKT Nhà nước sau là Bộ Khoa học Công nghệ, một trong những người trong ban vận động sáng lập ra Hội Tin học Việt Nam: Khoảng năm 1975, trong một số nguyệt san của Hội Trí thức Việt Nam tại Pháp có đăng bài của anh Hà Dương Tuấn giới thiệu về tự động hoá xử lý thông tin. Anh Tuấn đã dùng thuật ngữ “Tin học” để dịch thuật ngữ “informatique” (khoa học về thông tin và việc tự động xử lý thông tin bằng máy tính)” của Pháp hoặc thuật ngữ “computer science” của Anh. Đồng thời, Hội Trí thức Việt Nam ở Pháp đã thành lập một tổ về thuật ngữ. Giáo sư Phan Đình Diệu và giáo sư Trần Lưu Chương có tham gia một số buổi họp của tổ này mỗi lần có dịp qua Pháp. Lúc đó, trí thức người Việt ở Pháp đã sử dụng rộng rãi thuật ngữ “Tin học”. Đến năm 1976, thuật ngữ này được dùng chính thức trong tên gọi của một Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước có tên “Chương trình nghiên cứu Toán học, Tin học và Điều khiển học 1976 – 1980” do giáo sư Phan Đình Diệu làm Chủ nhiệm. Sau đó, thuật ngữ “Tin học” được phổ biến rộng rãi trong nước.

Còn theo giáo sư Đinh Xuân Bá, một trong những tiền bối thuộc thế hệ đầu của Hội Tin học Việt Nam: Năm 1988, khi thành lập Hội, chưa có từ “công nghệ thông tin” (có thể xem như sự cộng sinh của Tin học và Truyền thông). Ta phải chọn một trong hai cách gọi: Tin học - phỏng dịch từ thuật ngữ “informatique” của Pháp, hoặc Khoa học máy tính - phỏng dịch từ thuật ngữ “computer science” của Anh - Mỹ. Lúc đó, Hội Tin học Việt Nam và các khoa chuyên ngành thuộc các trường Đại học đều thống nhất chọn “Tin học”.

Lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng III (2009)

2. Tại sao lại có tên gọi “Hội Tin học Việt Nam – VAIP”?

Đến cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, thuật ngữ “Tin học” đã rất phổ biến nên trong đơn xin thành lập Ban Trù bị thành lập Hội đã sử dụng tên “Hội Tin học Việt Nam. Trong quyết định cho phép thành lập Hội năm 1989, Chính phủ đã công nhận tên gọi này. Vietnam Association for Information Processing – VAIP không phải là từ được dịch nguyên văn từ “Hội Tin học Việt Nam” (đúng ra phải là Vietnam Computer Asscociation). Song để tương đồng với Tổ chức quốc tế về Tin học do Liên hiệp quốc và UNESCO bảo trợ (có tên International Federation for Information Processing – IFIP), giáo sư Nguyễn Đình Ngọc đề nghị chấp nhận tên quốc tế VAIP. Đề xuất này được toàn thể Ban Chấp hành của Hội đồng ý và thông qua trong phiên họp Ban Chấp hành lần thứ nhất. Và đến tận gần 20 năm sau, vào tháng 10 năm 2008 Hội Tin học Việt Nam đã chính thức có đơn ra nhập và là đại diện của Việt Nam trong Liên minh Tin học thế giới – IFIP và là đại diện cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sự kiện Diễn đàn CNTT toàn cầu WITFOR 2009 (World IT Forum) tại Hà Nội vào tháng 8/2009.

Chủ tịch, Tổng Thư ký  Hội Tin học Việt Nam các thời kỳ

3. Hội tin học “Trẻ” + Hội Tin học “Già” =  Hội Tin học Việt Nam

Nhớ lại, từ đầu năm 1988 nhóm các nhà tin học trẻ đến từ quân đội đã tích cực vận động thành lập Hội Tin học trẻ, trong số đó tích cực phải kể tới Tiến sỹ Nguyễn Quý Sơn nguyên Tổng Thư ký nhiệm kỳ I và các sĩ quan tin học trẻ thuộc Viện kỹ thuật quân sự, Đại học kỹ thuật Quân sự đều rất tích cực vận động, họ kết nối cùng các thày giáo tin học tại Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp và cả các nghiên cứu viên thuộc hàng trẻ của Viên Tin học như các anh Nguyễn Chí Công, Vũ Duy Mẫn cùng vận động thành lập Hội Tin học trẻ. Các anh thuộc hàng có tuổi (lúc đó mới khoảng 50) như GS. Phan Đình Diệu, Trần Lưu Chương và cả nhóm các anh chị Tin học Tp Hồ Chí Minh như các anh Nguyễn Văn Bảy, Trần Thành Trai, Nguyễn Văn Ngô, chị Phan Thị Hồng … cũng tích cực vận động thành lập hội Tin học “già”.  Sau khi tự động dàn xếp hội nghị trù bị thành lập Đại hội lần thứ nhất đã được triệu tập vào những ngày cuối tháng 12/1988 khi biết thông tin Hội đồng Bộ trưởng đã cho phép thành lập Hội Tin học - địa điểm trù bị lúc bấy giờ là nhà số 69 Quan Thánh Hà Nội lúc đó là phòng máy tính mượn Sở Nhà đất Hà Nội của Bộ môn Toán Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay đã thành khoa CNTT) và hai nhóm “trẻ” + “già” cùng đồng tình tổ chức Đại hội thành lập Hội Tin học Việt Nam. Ngày ấy tính đến giờ đã đúng 25 năm.

BCH nhiệm kỳ I Hội Tin học Việt Nam (6/1/1989)

4. Năm 1989 từ Hội đã ra đời các doanh nghiệp Tin học đầu tiên

 Ngày 30-7-1990 Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng có quyết định 268/CT cho phép các cơ quan Nhà nước đoàn thể, viện nghiên cứu trường học, tổ chức xã hội được tổ chức mô hình tổ chức kinh tế (công ty) được gọi là các công ty 268. Chớp thời cơ, Hội Tin học Việt Nam thành lập 5 công ty 268 đầu tiên của hội vào tháng 9/1990 đó là Công ty COPOSII (từ UB KHKT Nhà nước), Công ty Secoin (từ nhóm của GS. Đinh Xuân Bá - Đại học Bách khoa Hà Nội), Công ty Gentece (từ nhóm nhà máy M2, Ban cơ yếu TW), Công ty COMPAC (từ nhóm Nhà máy quân đội Z181) và Công ty APPINFO, chậm hơn một chút là Công ty 3C từ nhóm Liên hiệp Điện tử Tin học Việt Nam. Cũng khoảng trước thời điểm này FPT được thành lập với nghề Food processing từ Viện Khoa học Việt Nam và Genpacific là liên doanh tin học Việt - Pháp đầu tiên xuất hiện.  Kể từ đây các doanh nghiệp tin học hoạt động theo cơ chế thị trường đã liên tục phát triển với số lượng đông đảo cùng các vị trí vững vàng trong khối Doanh nghiệp Việt Nam.

BCH nhiệm kỳ VII Hội Tin học Việt Nam (2011-2016)

* Để giúp các thế hệ sau hiểu nhiều hơn về lịch sử và công sức đóng góp của các thế hệ tiền bối trong làng Tin học, Hội Tin học Việt Nam đã mạnh dạn bắt tay chủ biên cuốn “Công nghệ thông tin Việt Nam: những chặng đường”. Cuốn sách sẽ ghi nhận lại của các chặng đường Tin học Việt Nam cùng với các kỷ niệm và hồi ức đáng nhớ của các tiền bối, các thế hệ đã được chính thức công bố vào Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Tin học Việt Nam năm 2009./.

Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam

                                                                     (người ghi chép lại)

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0