Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng quốc tế (CES 2014) sẽ diễn ra từ ngày 7/1 đến ngày 10/1/2014 tại thành phố Las Vegas, Mỹ. CES 2014 sẽ là CES lần thứ 47 trong lịch sử của sự kiện này. Sự kiện CES đầu tiên được tổ chức vào tháng 6/1967 tại thành phố New York, thu hút 17.500 người tham dự và trên 100 công ty tham gia. Từ năm 1978 đến 1994, CES được tổ chức 2 lần trong năm, một lần vào tháng Một tại Las Vegas với tên gọi Triển lãm CES mùa đông (WCES) và một lần vào tháng Sáu ở Chicago với tên gọi Triển lãm CES mùa hè (SCES).
Tuy nhiên, vì một số lý do, kể từ năm 1998, sự kiện này thay đổi và chỉ tổ chức mỗi năm một lần tại Las Vegas. CES được xem là sự kiện công nghệ đầu tiên, mở màn cho một năm mới, vì thế cũng được xem là “sàn diễn” của các sản phẩm công nghệ “hot” và các xu hướng công nghệ sẽ diễn ra trong năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hai đại gia lớn của ngành công nghệ là Apple và Microsoft đã rút khỏi sự kiện này, khiến nhiều người tự hỏi sự kiện CES có còn nhiều giá trị, và CES trong 10 năm nữa sẽ ra sao. Theo phân tích của trang Digitaltrends, có 3 lý do khiến CES 2014 nên tổ chức với quy mô nhỏ hơn.
|
Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng quốc tế (CES 2014) sẽ diễn ra từ ngày 7/1 đến ngày 10/1/2014 tại thành phố Las Vegas, Mỹ
|
CES không cần phải “hoành tráng quá”
Thứ nhất, tham dự CES rất tốn kém tiền bạc. Đó là các chi phí vé máy bay, phòng khách sạn, thức ăn cho đội ngũ chuyên gia marketing, PR, quản lý sản phẩm, kỹ sư, các lãnh đạo công nghệ và bất kỳ ai phải đến CES hàng năm. Các loại chi phí tăng lên nhanh chóng.
Một lý do nữa khiến CES kém phần hấp dẫn là xu hướng các công ty tự tổ chức sự kiện đang ngày càng “hot” và thu hút sự chú ý của công chúng. Trong các năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện riêng của các công ty, như sự kiện Apple ra mắt iPhone, iPad hay các sự kiện của Samsung, Google…. Và điều quan trọng là, khi các công ty tổ chức một sự kiện riêng, họ sẽ thu hút được sự chú ý của mọi người vào những sản phẩm duy nhất của riêng họ, chứ không bị “loãng” vào hàng chục, hàng trăm sản phẩm của các công ty khác. Apple, Microsoft, Samsung và nhiều công ty khác đã và sẽ tổ chức các sự kiện riêng của họ. Nhiều công ty khác cũng có thể sẽ đi theo xu hướng này.
Ngoài ra, CES thường là nơi trưng bày các sản phẩm mới, vì thế một số công ty có thể gặp khó khăn về thời gian khi phải gấp rút phát triển và hoàn thành sản phẩm để kịp trưng bày tại sự kiện lớn này, và sản phẩm làm vội có thể ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như uy tín của công ty – cả về lâu dài và trước mắt.
Sản phẩm tốt nhất của CES vừa tẻ nhạt vừa dễ chết yểu
Mỗi năm, CES lại nêu danh các sản phẩm tốt nhất. Thông thường, đó là một trong những thông tin được cho là để tổng kết sự kiện. Những sản phẩm giành giải được “đối tác truyền thông chính thức” của CES bình chọn. Trong năm 2014, đó sẽ là trang Engadget. Trước đó, từ năm 2005 đến 2013, CNET là trang sẽ đưa ra các bình chọn, và trước năm 2005 là trang TechTV.
|
Palm Pre – sản phẩm được bình chọn tốt nhất CES 2009 nhưng chỉ hơn 1 năm sau, HP thâu tóm Palm và hoàn toàn kết liễu dòng máy Palm Pre vào năm 2011
|
Tuy nhiên, vấn đề là các sản phẩm bình chọn “tốt nhất CES” không phải lúc nào trông cũng tốt. Có bao nhiêu sản phẩm đó đã đi vào cuộc sống, trở thành các sản phẩm của đại chúng? Các sản phẩm tốt nhất CES trong 10 năm qua có thể chia thành 3 mục: sản phẩm tẻ nhạt, sản phẩm nhầm lẫn và còn lại là các sản phẩm thuộc danh mục TV.
Những sản phẩm “tẻ nhạt” được vinh danh tốt nhất CES là những sản phẩm không thể nói gì về tương lai của công nghệ. Đó có thể là sản phẩm tốt về chất lượng, chứ không phải là thử nghiệm mới về xu hướng công nghệ, và dễ dàng bị lãng quên khi có một phiên bản tốt hơn ra mắt.
Đơn cử trong mảng “Sản phẩm tẻ nhạt” này có thể kể đến bộ máy chiếu âm thanh số Yamaha YSP-1 của CES 2005. Với giá 2.000 USD, YSP-1 dùng mô hình kỹ thuật số để phản chiếu âm thanh lên tường và trần nhà, nhằm mang lại acho người dùng âm thanh vòm mà không cần lắp đặt đủ bộ loa. Song chỉ 2 tháng sau, người dùng đã tự hỏi liệu YSP-1 có đáng với mức giá đó, khi chất lượng âm thanh chưa bao giờ đạt như hứa hẹn.
Một ví dụ về việc sản phẩm được vinh danh tốt nhất tại CES nhưng lại là một “Sản phẩm nhầm lẫn” vì sau đó chính sản phẩm tốt nhất CES đó lại gặp thất bại thảm hại, đó là Palm Pre – tốt nhất CES 2009. Chỉ hơn 1 năm sau, HP thâu tóm Palm và hoàn toàn kết liễu dòng máy Palm Pre vào năm 2011.
Vì thế, khi sản phẩm tốt nhất CES 2014 được xướng tên, có lẽ người dùng và giới công nghệ nên nhìn nhận lại liệu đó có phải là một “Sản phẩm tốt nhất” và mang xu hướng công nghệ của tương lai hay không.
Nội dung bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 3 ra ngày 6/1/2014
Theo Ictnews.vn